Tại buổi lễ phát động Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển mới đây, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra con số: Trẻ em trai và gái Việt Nam đã cao thêm trung bình 13,6cm trong một thế kỷ qua, nhưng thanh niên Việt Nam hiện vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1cm ở nam và 10,7cm ở nữ.
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định, ngoài yếu tố di truyền thì điều kiện kinh tế, sức khỏe, nhất là chế độ dinh dưỡng, trong đó có việc bú sữa mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ.
Bảo đảm chiều cao từ bào thai
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, hiện chỉ có 31% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong một tháng đầu, 75% trẻ được bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, 21,9% trẻ dưới 12 tháng không được tiếp tục bú sữa mẹ.
Theo phân tích của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của con người chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cơ bản nhất là dinh dưỡng (chiếm 32%), tiếp đến là yếu tố di truyền (23%), vận động (20%), sau đó mới đến môi trường sống, tình hình bệnh tật, giấc ngủ… Còn ba giai đoạn có tính chất quyết định về chiều cao của một người là giai đoạn trong bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì.
Đối với giai đoạn trong bào thai, ngay từ khi mang thai, các bà mẹ phải có chế độ dinh dưỡng tốt, phong phú, không nên quá kiêng khem để bảo đảm đạt được chiều cao hợp lý của bé khi sinh ra là 50cm (chỉ số thường thấy đối với bé nặng khoảng 3kg khi mới lọt lòng). Để đạt được số đo cân nặng cũng như chiều cao của trẻ như trên, cân nặng của một bà mẹ trong 9 tháng mang thai phải tăng tối thiểu từ 10-12kg. Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi, ngay năm đầu, chiều cao của trẻ tăng thêm khoảng 25cm; hai năm sau đó, mỗi năm sẽ tăng 10cm và từ 4 tuổi đến tuổi dậy thì, mỗi năm tăng trung bình 5-6cm. Như vậy, khi trẻ tròn một tuổi, trung bình bé trai cao khoảng 76 cm và bé gái là 75cm. Giai đoạn tuổi dậy thì (10-16 tuổi) có thể được coi là giai đoạn cuối cùng quyết định chiều cao của trẻ. Theo tính toán của giới khoa học, chiều cao của một người trưởng thành gấp 2 lần chiều cao của họ vào lúc 2 tuổi. Đây cũng là cách để chúng ta có thể dự đoán trước được chiều cao của một đứa trẻ sau này.
Cân đối chế độ dinh dưỡng
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, mỗi năm Việt Nam có 7.000 trẻ em tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng. Mặc dù trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm 1,5-2% mỗi năm nhưng năm 2010 vẫn còn 31,9% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ mới sinh phải được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ rất giàu dinh dưỡng và chất đề kháng chống lại bệnh tật, tạo tiền đề cho cả quá trình phát triển của cơ thể sau này, đặc biệt là về chiều cao.
Đến tháng ăn dặm và các giai đoạn tuổi tiếp theo, bữa ăn của trẻ bao giờ cũng phải bảo đảm đủ 4 nhóm chất chính là chất đạm, chất béo, chất bột, rau quả, trong đó chất bột nên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng năng lượng nói chung (khoảng 60-65%), rồi tới chất đạm (10-15%), chất béo (10%). Bên cạnh việc cung cấp đủ năng lượng mỗi ngày vào khoảng 100-110 kcal/kg cân nặng, cơ thể trẻ cũng còn cần được cung cấp nhiều chất khác hỗ trợ cho việc phát triển chiều cao như các loại vitamin, nhất là vitamin A và khoáng chất. Việc thiếu vitamin A tiền lâm sàng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm khuẩn và giảm sự tăng trưởng ở trẻ nhỏ. Ở nước ta, với những trẻ bị thiếu vitamin A, nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần ăn thiếu hụt lượng vitamin A có trong thức ăn chế biến từ thịt động vật, rau xanh, quả chín. Tập quán cho trẻ ăn bổ sung chỉ với bột gạo, đường hoặc muối thể hiện quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng.
Để giúp trẻ có được chiều cao lý tưởng thì ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mỗi bữa ăn, đủ chất theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, người lớn cần giúp trẻ tạo lập lối sống năng động, thường xuyên chơi thể thao, bảo đảm giấc ngủ ngon làm hormone tăng trưởng tiết ra nhiều, từ đó kích thích xương phát triển.