Chất sắt là thành phần quan trọng cấu tạo nên hemoglobin, chất có vai trò chính trong vận chuyển ôxy cho cơ thể. Cơ thể thiếu ôxy sẽ hoạt động kém đi. Vì vậy khi thiếu sắt, triệu chứng thường gặp ở người mẹ là da xanh xao, mệt mỏi, chậm tăng cân, hay buồn ngủ, khó tập trung chú ý.
Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, thiếu máu ở phụ nữ có thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu. Đến giai đoạn sau, thiếu sắt có thể gây đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Bà mẹ thiếu máu đến giai đoạn sinh nở có thể bị băng huyết sau khi sinh, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây thiếu sắt ở thai phụ là chế độ ăn uống không đủ, ăn các thực phẩm thiếu sắt hoặc mắc các bệnh về đường ruột, rối loạn tiêu hóa nên không hấp thu được sắt. Ngoài ra, nếu các bà mẹ bị nhiễm giun, gây chảy máu âm thầm qua đường ruột cũng có nguy cơ thiếu sắt rất cao.
Tình trạng thiếu sắt rất hay gặp phải khi phụ nữ mang thai. Nhu cầu sắt trong thực phẩm của người bình thường là 12 – 15 mg mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần gấp rưỡi lượng sắt này. Để bổ sung sắt, thai phụ nên ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như gan, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng, các loại thịt có màu đỏ, các loại đậu, đỗ, rau xanh… Ăn uống hợp lý là biện pháp phòng chống thiếu máu do thiếu sắt tốt nhất. Để tăng quá trình chuyển hóa và hấp thu sắt, thai phụ cần ăn đủ rau xanh và quả chín nhiều vitamin C.
Với những trường hợp thiếu sắt, ngoài chế độ ăn uống, thai phụ cũng cần bổ sung sắt bằng thuốc và viên sắt. Bà mẹ nên uống từ lúc bắt đầu có thai, uống trong suốt thời kỳ mang thai và tiếp tục đến sau khi sinh một tháng. Thậm chí, phụ nữ ngay từ lúc có thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ, bắt đầu thời kỳ hành kinh cũng nên uống viên sắt.
Ths. BS Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)