Mặc dù đã có những tiến bộ về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhưng Việt Nam vẫn có trên 30% trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc và là 1 trong 36 nước mà trẻ em có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.
Ngày 4/11, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn của các tổ chức phi Chính phủ làm việc về trẻ em đối với Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020.
Mặc dù đã có những tiến bộ về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhưng Việt Nam vẫn có trên 30% trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc và là 1 trong 36 nước trẻ em có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Vì vậy cần có can thiệp dài hạn, toàn diện kể từ khi bà mẹ mang thai cho đến khi trẻ em được 2 tuổi nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng hướng tới chiến lược lâu dài là nâng cao tầm vóc của người Việt Nam; đồng thời bổ sung việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu Nhi, đặc biệt là tuyến huyện, xã.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ còn thấp vì vậy cần có chính sách thỏa đáng cho giáo dục mầm non, cân bằng giữa hoạt động vui chơi và học tập để giúp trẻ học tốt hơn và phát triển toàn diện.
Bà Đặng Huỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nêu ý kiến: Chúng ta thiếu mục tiêu giáo dục sức khỏe học đường trong khi đây là vấn đề rất là quan trọng, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Các nước trên thế giới rất quan tâm đến lĩnh vực này nhưng nước ta lại chưa được chú ý. Chiến lược đến năm 2020 nên quan tâm đến sức khỏe học đường và đặc biệt là vấn đề tinh thần đối với trẻ”.
Theo dự thảo Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 hướng tới các mục tiêu: tạo cơ hội cho mọi trẻ em được tiếp cận với các loại hình giáo dục phù hợp và bình đẳng. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi là 98%. Tăng tỷ lệ trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập lên 15%; hoàn thiện hệ thống chính sách, xây dựng các chương trình, mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Để đạt được những mục tiêu đó, bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em một vấn đề quan trọng khác là cần xã hội hóa các hoạt động chăm sóc vào giáo dục trẻ em.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Chương trình này mang tính độc lập tương đối trong các kế hoạch hàng năm của các Bộ, ngành địa phương nhưng nó cũng phải là thành phần lồng ghép trong tất cả các kế hoạch của bộ, ngành, địa phương và các chương trình khác”.
Bộ trưởng Kim Ngân đưa ra dẫn chứng: phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em thì phải được thực hiện trong từng gia đình, từ các bậc phụ huynh rồi mới đến cộng đồng, xã hội.