Sáng 4.11, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn của các tổ chức phi chính phủ làm việc về trẻ em đối với Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020.
Chưa thể hiện là chương trình tầm cỡ quốc gia
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 được các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em nhận định là chưa thể hiện đầy đủ như một chương trình mang tầm cỡ quốc gia. Bên cạnh phần nội dung và giải pháp còn chung chung, thiếu giải pháp cụ thể để bảo đảm tính khả thi, chương trình còn bỏ qua nhiều kế hoạch, chương trình của các ngành có liên quan như Kế hoạch hành động quốc gia về sự sống của trẻ em đến năm 2015; Chương trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ từ 0-3 tuổi; Chương trình bảo vệ trẻ em 2010-2015; Chương trình quốc gia phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; Kế hoạch quốc gia về trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; Chương trình giáo dục 5 triệu bà mẹ…
Mặc dù đã có tiến bộ về phòng chống suy dinh dưỡng nhưng hiện nay vẫn có trên 30% trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc và là 1 trong 36 nước có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Chỉ có 16,9% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (điều tra năm 2006), lý do một phần do chính sách của Nhà nước chỉ cho bà mẹ nghỉ sinh 4 tháng; một phần do các đơn vị trong ngành y tế chưa khuyến khích tốt việc nuôi con bằng sữa mẹ; và lý do quan trọng hơn chính là nhận thức của cộng đồng. Một bộ phận không nhỏ người dân tin tưởng vào việc cho ăn bổ sung sớm sẽ làm cho trẻ cứng cáp mà không tin vào dưỡng chất của sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có mạng lưới cấp cứu Nhi riêng trong cả nước, quy mô cũng như chất lượng chăm sóc nhi khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, xã ngày càng thu hẹp. Cán bộ làm cấp cứu Nhi chưa được đào tạo đầy đủ, đặc biệt ở tuyến huyện và xã, trang thiết bị thiếu, cũng chưa có quy trình hướng dẫn quốc gia về cấp cứu nhi nói riêng cũng như điều trị nhi khoa nói chung.
Thiếu vắng mạng lưới chăm sóc trẻ từ 4 tháng tới 3 tuổi
Bà Đặng Huỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ sự xót xa trước thực trạng thiếu vắng hệ thống trường lớp cho trẻ dưới 3 tuổi. Theo bà Mai, trước đây, tại các công-nông-lâm trường, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, đều có trường cho con cán bộ, công nhân. Các trường này nhận trẻ 3-4 tháng và đón-trả trẻ theo giờ làm ca của bố mẹ. Nhưng sau khi có quy định trả các trường về cho giáo dục quản lý, không còn nơi nào nhận trẻ nhỏ và theo giờ ca kíp như trước đây. Bà Trương Thị Mai –Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội đưa ra một thực tế: Luật pháp quy định bà mẹ có con nhỏ dưới 12 tháng có 1 tiếng/ngày cho con bú. Nhưng thực tế tại các khu công nghiệp, công nhân làm việc tập trung, đi làm bằng xe của công ty thì không thể thực hiện được quyền này. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc sức khỏe cũng như thể chất của trẻ.
Tỷ lệ trẻ khuyết tật vẫn đang chiếm tỉ lệ cao nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách riêng cho đối tượng này cũng như tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được hòa nhập cộng đồng.
Bà Hoàng Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia đình và sức khỏe cộng đồng đưa ra nhận định, trong Chương trình quốc gia về trẻ em, mới chỉ đưa ra các chỉ tiêu về số lượng mà không có chỉ tiêu nào về chất lượng, như chỉ tiêu 90% gia đình được tiếp cận với kiến thức về quyền trẻ em, nhưng sau đó là gì? Họ tiếp cận rồi thì sẽ như thế nào? Có thực hiện không hay có tác dụng gì không? Cũng như việc nêu vấn đề nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nhưng chương trình không đề ra những yêu cầu cụ thể là nâng cao thế nào, thể chế ra sao, tổ chức, nguồn vốn huy động như thế nào. Bởi vậy, nếu chỉ hô hào suông thì sẽ chỉ là những thành tích trên giấy tờ mà các tổ chức xã hội có muốn cũng không tham gia được.
Bảo vệ trẻ em không nên chỉ chạy theo bề nổi, theo những số liệu thành tích bên ngoài mà cần phải đi vào thực chất, chiều sâu của xã hội.