Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, từ ngày 20-5-2010, Nghị định 34 của Chính phủ nêu rõ: Bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Nghị định có hiệu lực đã 6 tháng nhưng cho đến nay việc thực hiện vẫn chưa triệt để.
Điệp khúc “quên” mũ bảo hiểm
7h sáng 4-11, chúng tôi có mặt trước cổng trường Tiểu học dân lập Lômônôxôp, đường Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Theo quan sát của chúng tôi, có đến 60% phụ huynh đưa con em đến trường bằng mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Minh là phụ huynh em Thu Trang, học lớp 2 cho biết: “Nhà tôi ở gần trường, hơn nữa tôi đi xe chậm nên ngại đội mũ cho cháu”. Tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Du-phường Lý Thái Tổ, tình trạng phụ huynh “quên” không đội mũ bảo hiểm cho con cũng phổ biến. Chị Nguyễn Thị Minh là phụ huynh em Trần Thanh Hoà đang đứng đón con cho biết: “Mấy lần tôi không đội MBH cho con nhưng không thấy bị phạt, thành ra quen dần rồi quên luôn. Tôi cũng mơ hồ không biết có nên đội MBH cho con hay không khi con tôi mới học lớp 2?”.
Không chỉ ở các cổng trường học, ở nhiều nơi công cộng, trung tâm mua sắm như siêu thị BigC, các cửa hàng ở Chùa Bộc… rất đông phụ huynh chở con đi mua sắm bằng mô tô, xe máy nhưng tình trạng để đầu trần cho trẻ cũng không ít. Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông một số phụ huynh không tuân thủ Luật Giao thông, chở quá số người trên xe và để các em vô tư đùa nghịch. Những hình ảnh một số phụ huynh chở hai, ba em nhỏ trên xe máy chạy với tốc độ khá nhanh xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố, nhất là vào thời gian đưa đón con đến trường. Có em ngồi phía trước tay xúc bánh ăn hay xoay từ tư thế này sang tư thế khác trong khi xe vẫn chạy và hiếm khi chúng ta nhìn thấy MBH “ngự trị” trên đầu các em.
Cần ý thức của các bậc phụ huynh
Những lý do các bậc phụ huynh và người lớn đưa ra nhằm bao biện cho việc không đội MBH có rất nhiều. Đơn cử như nhiều bậc phụ huynh vẫn khá e dè khi cho trẻ đội MBH vì sợ trẻ đang trong giai đoạn phát triển sẽ ảnh hưởng đốt sống cổ. Nhiều người còn viện cớ nhà gần, mang đi sau đó phải cầm mũ về bất tiện… Trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào chứng minh trẻ em trên 6 tuổi đội MBH đúng quy chuẩn và cách thức sẽ để lại di chứng. Tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về đội MBH cho trẻ em do Bộ GTVT tổ chức mới đây, các chuyên gia khẳng định sự cần thiết phải đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông. Theo đó, trẻ em đội MBH có chất lượng, đúng quy cách giúp giảm nguy cơ chấn thương đầu tới 69%, giảm 42% nguy cơ tử vong khi bị TNGT. Và cũng nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, Nghị định 34 của Chính phủ quy định rất rõ người lớn chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên môtô, xe máy phải đội MBH. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 100-200 nghìn đồng.
Quy định đã có, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế, lực lượng CSGT đã gặp không ít khó khăn. Đơn cử như người lớn hay các bậc phụ huynh chở trẻ em trên 6 tuổi không đội MBH trên đường không phải lúc nào họ cũng mang theo giấy khai sinh của cháu bé đó. Việc xác minh độ tuổi đối với những trường hợp này của CSGT gặp rất nhiều khó khăn. Trung tá Vũ Ngọc Hùng – Đội phó phụ trách Đội Điều tra khám nghiệm và giải quyết TNGT thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt cho biết: “Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý những trường hợp tham gia giao thông khi ngồi trên môtô, xe máy không đội MBH và cài quai đúng quy định trong đó có trẻ em, học sinh trên 6 tuổi”.
Về việc xác định độ tuổi của học sinh để làm căn cứ xử phạt, Trung tá Hùng cũng thẳng thắn: “Các bậc phụ huynh và người lớn phải quan tâm và lo cho sự an toàn của chính con em mình chứ không nên viện dẫn các lý do để né tránh hay chống đối quy định trên”. Bên cạnh đó, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội tổ chức những buổi nói chuyện ngoại khóa để tuyên truyền Luật Giao thông. Qua những ví dụ cụ thể, sinh động sẽ giúp các em học sinh tiểu học nắm được những quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Ngoài ra, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt còn tổ chức tuyên truyền lưu động, dán pan nô, áp phích tại các trường nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho chính các bậc phụ huynh.
Cùng với việc truyền dạy các kiến thức, kỹ năng sống, công tác giáo dục TTATGT cho trẻ ngay từ khi đang hình thành ý thức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng trong đó có ngành giáo dục. Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị Bích Ngà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết: “Nhà trường đã thành lập Ban ATGT để tuyên truyền, giáo dục các em học sinh tuân thủ đúng Luật Giao thông, đưa chương trình dạy thí điểm về ATGT cho học sinh lớp 3. Nhưng để giáo dục các em học sinh tuân thủ đúng Luật Giao thông cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của gia đình và xã hội”. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, các bậc phụ huynh là vô cùng cần thiết và quan trọng. Mặc dù vậy, việc đảm bảo TTATGT cho trẻ em sẽ không thể hiệu quả nếu như chính các bậc phụ huynh vẫn vô tình coi thường sự an toàn của con em mình.