Theo kết quả nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Tâm lý học (Psychological Science) của Mỹ ngày 3/11, trẻ em xem nhiều DVD và băng đĩa giáo dục không cải thiện được nhiều vốn từ vựng hơn là mấy so với những trẻ không thường xuyên xem những chương trình này.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Virginia và Đại học Vanderbilt, Mỹ, đã tiến hành thí nghiệm đối với 72 trẻ nhỏ từ 12-18 tháng tuổi.
Những em nhỏ trên được chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm có 18 em.
Những em ở ba nhóm đầu tiên được xem một đoạn video dài 39 phút với những hình ảnh về những đồ vật quen thuộc trong gia đình và giọng đọc giúp nhận biết tên của những món đồ đó.
Ở nhóm 1, các em xem video cùng bố hoặc mẹ của mình. Trẻ em ở nhóm 2 xem video không có sự có mặt của người lớn. Ở nhóm thứ 3, các bậc phụ huynh được yêu cầu dạy cho con mình biết được nhiều từ nhất có thể trong danh sách 25 món đồ được nhắc đến trong đoạn video mà không nhìn vào màn hình. Trong khi đó, các em ở nhóm thứ 4 không được xem video và cũng không được bố mẹ hướng dẫn học từ vựng. Tuy nhiên, những em ở nhóm này có khả năng phát triển tự vựng bình thường như các em ở nhóm khác.
Sau một tháng, tất cả 72 em này đều được kiểm tra vốn từ vựng về những từ xuất hiện trong DVD. Các nhà nghiên cứu nhận thấy vốn từ vựng của những em nhỏ được xem DVD trong thời gian thí nghiệm không phát triển nhiều hơn so với những đứa trẻ chưa từng xem DVD.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù số lượng từ vựng mà trẻ em ở cả hai nhóm có bố mẹ xem cùng học được là như nhau, song những bố mẹ xem DVD cùng con mình lại cho rằng con của họ học được nhiều từ hơn những đứa trẻ mà bố mẹ chúng không mấy quan tâm tới DVD.
Theo nhà khoa học Judy DeLoach của Đại học Virginia, chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên, những điều các em học hỏi được từ DVD thực chất chỉ là sự phát triển bình thường. Trẻ em học hỏi được nhiều điều từ các hoạt động thường ngày hơn là những thứ được dạy trên băng đĩa.
Bà DeLoach cho biết thêm rằng cách tốt nhất để trẻ em học được nhiều từ mới là trò chuyện cùng chúng.