Viết chữ đẹp để oai, để khoe với chúng bạn, bắt con đi học viết chữ đẹp bằng dọa nạt, đánh mắng… là thực tế diễn ra ở nhiều gia đình hiện nay. Th.S Phạm Mạnh Hà, Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lý, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng, các bậc phụ huynh đừng để trẻ phải lo lắng sợ hãi vì bị ép đi học viết chữ đẹp. Đừng đòi hỏi quá mức so với khả năng, trẻ sẽ phản ứng lại, có thể dẫn đến stress, tức giận, trầm cảm…
TS Nguyễn Công Khanh, chuyên gia giáo dục Trường mầm non Hoàng Gia (Hà Nội) lưu ý, đặc biệt là với các cháu nhỏ chưa vào lớp 1, không nên cho đi luyện chữ đẹp như lời quảng cáo của các trung tâm. Việc luyện chữ cũng có nguy cơ khiến mắt quá tải vì khi tập trung viết, trẻ thường cúi gằm mặt sát vở, tần suất chớp mắt giảm trung bình 50%, gây thiệt hại cho sự phát triển thị lực và dẫn đến cận thị, loạn thị. Nhiều trẻ nhoài cả người lên bàn mới viết được do bàn ghế ở các lớp học gia đình thường không chuẩn. Điều này ảnh hưởng xấu đến hệ cơ, xương, đặc biệt là cột sống.
Chỉ cần viết đúng chính tả
Theo các chuyên gia, không nên không yêu cầu tất cả học sinh phải viết chữ đẹp mà điều quan trọng nhất là dạy các em viết đúng chính tả. Việc trẻ em viết chữ xấu không phải là quá nghiêm trọng. Ngay cả giáo viên không phải ai cũng viết được chữ đẹp, nên yêu cầu hay bắt buộc trẻ phải viết đẹp là không đúng.
Cũng theo Th.S Phạm Mạnh Hà, viết chữ đẹp chỉ nên coi là một hoạt động trợ giúp, mang tính chất ngoại khóa. Trẻ thích đi học thì sẽ cho đi, bởi bản thân việc viết chữ đẹp không phải hoàn toàn có hại. Tuy nhiên việc viết chữ đẹp trong thời đại ngày nay là không thực sự cần thiết. Giờ, việc ngồi nắn nót theo từng đường nét chữ sẽ khiến trẻ không để tâm, không viết kịp bài trên lớp.
GS Hồ Ngọc Đại, chuyên gia giáo dục thực nghiệm, nguyên Giám đốc trung tâm giáo dục thực nghiệm, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, việc viết chữ đẹp không bắt buộc, chỉ cần viết đúng và chữ thuần Việt. Dạy học sinh biết viết là nhiệm vụ của nhà trường chứ không phải việc của các trung tâm luyện chữ đẹp. Chỉ nên khuyến khích học đối với những em có hoa tay. Để trẻ được học cái chúng thích là một sự giáo dục lành mạnh. Đừng coi “vở sạch chữ đẹp” là yêu cầu bắt buộc để học sinh bị áp lực về tâm lý.