Tại các cửa hàng bán đồ cho trẻ, hàng hóa thật đa dạng, từ vật dụng sinh hoạt đến các món đồ chơi. Tuy nhiên, nhiều loại không có bảo hành, ngay cả những loại đắt tiền với giá trị hàng chục triệu đồng. Có một số món đồ chơi đã bị thu hồi tại Mỹ vẫn còn bán ở cửa hàng VN.
Nhiều sản phẩm không an toàn
Tháng 10-2010, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) quyết định thu hồi 73.408 đồ chơi có gắn bóng hơi của nhãn hàng Fisher Price nổi tiếng, sau khi nhận được khuyến cáo từ nhà sản xuất Mattel South East Pte (Malaysia) thuộc Tập đoàn Mattel Inc (Mỹ). Nguyên nhân thu hồi là van của quả bóng có thể rời khỏi bóng dẫn đến nguy cơ trẻ bị ngạt thở khi nuốt phải van.
Trong nhóm sản phẩm được thông báo thu hồi này có “Gôn bóng cho bé” (Bat & Score Goal K0476), được quảng cáo là đồ chơi thích hợp dành cho cả trẻ mới biết ngồi, khi đá hoặc đẩy bóng âm nhạc sẽ phát ra. Nhưng khi chúng tôi liên hệ với một cửa hàng đồ trẻ em trên đường HVB (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người bán xác nhận hàng vẫn bán “vô tư”, thậm chí vừa giảm giá 3% còn 775.000 đồng, mua năm chiếc sẽ giảm tiếp 3%!
Một số cửa hàng lớn ở Hà Nội như Thế Giới Trẻ Thơ (Ngô Thì Nhậm), Kid Plaza (Thái Thịnh)… có nhiều vật dụng dán mác “đồ nhập khẩu”, nhưng nếu được hỏi về sự an toàn cho trẻ, người bán hàng luôn giải thích: “Hàng nhập khẩu còn lo gì”. Chúng tôi hỏi về thông tin tại Mỹ vừa thu hồi 2 triệu chiếc xe đẩy Graco (mà cửa hàng cũng có nhập khẩu) do nguy cơ trẻ bị kẹt cứng cổ hoặc đầu, gây ngạt thở vì bị trượt xuống giữa khe hở của khay thức ăn và chỗ ngồi nếu không được cài dây an toàn thì người bán hàng rành rọt: “Đó là sơ suất của người dùng chứ sao bắt lỗi xe”!
May nhờ, rủi chịu
Quá nhiều chủng loại, giá cả, mẫu mã dễ khiến phụ huynh lạc vào mê hồn trận, không biết chọn mua loại nào an toàn cho con em mình.
Không ít phụ huynh đã cùng đúc kết: “Có mua về dùng mới biết “rút kinh nghiệm”, hay có khi con suýt té hoặc té mới biết nguy cơ từ những sản phẩm này”.
Như các loại xe đẩy, xe có ghế nằm cho trẻ trên thị trường vô cùng phong phú nhưng nhiều loại không có bảo hành sản phẩm, cả những thương hiệu đắt tiền với giá trị hàng chục triệu đồng. “Nguyên tắc vàng” được người bán đưa ra là cửa hàng chỉ có trách nhiệm với những sản phẩm có sử dụng điện (như nôi rung), còn các yếu tố liên quan đến lỗi kỹ thuật hay lắp ráp thì người mua “may nhờ, rủi chịu”.
Ông Phó Đức Sơn – viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng VN, cơ quan chủ trì xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa – cho rằng sản phẩm hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng được xếp vào nhóm 2, nhóm phải tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng. “Nhưng đến giờ chưa thấy các sản phẩm cho trẻ em như nôi điện, xe đẩy ở nhóm sản phẩm hàng hóa 2, cần tuân theo quy chuẩn”- ông Sơn cho hay. Được biết, hiện chưa có bộ ngành nào chính thức quản lý nhóm đồ dùng cho trẻ em.
Trong khi đó bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng trong trường hợp không thật sự cần thiết, không nên sử dụng nôi điện cho trẻ em. Theo bác sĩ Nghĩa, việc sử dụng nôi điện có thể dẫn đến hội chứng rung lắc ở trẻ, nhất là trong điều kiện nôi rung với cường độ mạnh và dừng lại đột ngột.
Trẻ dưới 6 tháng không nên ngồi xe đẩy
Xe đẩy dạng nằm – ngồi được khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng, nhưng vì không có tiêu chuẩn cụ thể, ít có hướng dẫn bằng tiếng Việt nên nhiều bậc phụ huynh cho con sử dụng ngay từ 2-3 tháng tuổi.
Một lưu ý nữa là khi muốn chỉnh độ cao thấp của ghế nằm trên xe, trẻ phải được chuyển ra khỏi ghế trước đó, tránh sự thay đổi tư thế đột ngột, có hại cho cấu tạo xương chưa hoàn thiện của trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa, xe hơi ngày càng trở nên phổ biến ở VN và trẻ thường được cha mẹ cho ưu tiên ngồi hàng ghế trước, trong khi bác sĩ khuyến cáo mạnh mẽ không nên để trẻ dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước. Trẻ ở độ tuổi này ngồi hàng ghế sau cũng cần ngồi trên ghế riêng (ghế ngồi an toàn cho trẻ trên xe hơi) và thắt dây an toàn, tránh va đập ảnh hưởng đến trẻ.