Không chỉ những vụ việc gần đây mà báo chí đã nêu, mà vấn đề bạo hành trong gia đình; trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em bị tai nạn thương tích; trẻ em nhiễm HIV; trẻ em bị buôn bán… cũng đang là thực trạng nhức nhối cần được quan tâm.
Thừa Thiên – Huế là một trong những tỉnh thực hiện tốt các quyền cơ bản cho trẻ, nhưng qua thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thì toàn tỉnh có 343 em lao động làm việc nặng nhọc, 355 em làm việc xa gia đình, 103 em lang thang kiếm sống… Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật và là nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật cũng khá cao. Từ năm 2005 đến 6 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh có 456 vụ trẻ em vi phạm pháp luật, 804 đối tượng tham gia; 46 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 42 em bị hiếp dâm, dâm ô, cố ý gây thương tích, đặc biệt có 2 trẻ em bị giết. Trẻ em bị xâm hại chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 6-13 tuổi. Đa phần rơi vào các đối tượng không biết chữ hoặc có trình độ văn hóa thấp và đã bỏ học. Toàn tỉnh đã xét xử 79 vụ với 154 đối tượng bị khởi tố hình sự và 650 đối tượng bị xử phạt hành chính. Tình hình xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, nạn nhân chủ yếu là các bé gái dưới 16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân dưới 2 tuổi.
Tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, sống trong điều kiện khó khăn, có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, bị buôn bán… đang có những diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhận thức, năng lực của cán bộ và nhân dân còn hạn chế; hệ thống bảo vệ trẻ em chưa được kiện toàn mang tính chuyên nghiệp. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời kỳ mới phải đối mặt với nhiều thách thức. Cùng với sự gia tăng của tệ nạn xã hội, tệ nạn hiếp dâm trẻ em ngày càng báo động. Số vụ đưa ra xét xử vẫn còn ít do gia đình không dám tố cáo sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái sau này nên đã vô tình bao che cho loại tội phạm này phát triển.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em ở các tỉnh được thành lập sẽ là tổ chức chuyên nghiệp trong công tác bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng rất cần sự chung sức chung lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em; góp ý kiến, phản biện các chủ trương, chính sách, luật pháp, các chương trình dự án liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em theo quy định pháp luật. Có chính kiến về những vụ việc vi phạm quyền trẻ em và tham gia ngăn chặn mọi hành vi gây tổn hại cho con trẻ. Có như vậy mới ngăn chặn được những hành vi gây tổn hại cho con trẻ.