Lấy chồng 4 năm nhưng đến bây giờ chị Minh (29 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội vẫn chưa biết cảm giác được làm mẹ. Có thai 3 lần là bằng đấy lần chị bị sảy.
Cưới chồng được 6 tháng thì chị có bầu, cả nhà đều mừng. Nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài được lâu, được 22 tuần thì chị bị sảy thai. Vì vợ chồng còn trẻ lại đều khỏe mạnh nên lúc đó chị chỉ nghĩ “thôi thì lần đầu mình không may mắn, đợi lần khác vậy. Cơ hội còn nhiều”.
Rút kinh nghiệm lần mang thai trước, lần này khi có bầu chị Minh xin nghỉ hẳn một tháng ở nhà để dưỡng thai, không làm gì nặng nhọc, đi lại cũng rất khẽ khàng. Mẹ chồng còn cắt cả thuốc Đông y cho uống bồi bổ. Thế nhưng, một lần nữa chị lại không thể giữ được con. Ngay cả đến lần thứ 3, thai cũng chỉ được 16 tuần thì bị vỡ ối. Đi khám bác sĩ bảo không có vấn đề gì, chỉ dặn khi thấy có bầu thì phải đi khám ngay.
“Đôi khi mình tự hỏi hay là tại mình có tướng sát con, mà có thai đến 3 lần đều không thể giữ được. Giờ sắp bước sang tuổi 30 rồi mà hai vợ chồng vẫn chưa có. Cuộc sống gia đình thiếu tiếng trẻ nó cứ buồn thế nào ấy. Vợ chồng cũng từ đó mà thường xuyên cãi nhau. Hơn một năm nay rồi, mình không thấy dấu hiệu có bầu lại”, chị Minh buồn bã nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, tình trạng của Minh được gọi là sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân. Vì thế, khi thấy có bầu, chị nên nhập viện để được theo dõi ngay từ những tuần đầu. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp để cố giữ thai. Còn việc lâu rồi chị Minh chưa thụ thai có thể do ảnh hưởng của tâm lý.
Những trường hợp bị sảy thai nhiều lần như trên không phải hiếm gặp. Cũng bị sảy thai hai lần liên tiếp nhưng may mắn hơn chị Minh, Ngọc, 26 tuổi, ở Định Công, Hà Nội còn biết nguyên nhân do đâu.
Lần đầu chị bị sảy khi thai được 20 tuần, lần thứ hai lúc mới chỉ được 14 tuần. Không làm việc nặng nhọc, cũng không bị căng thẳng, không mắc bệnh gì trong quá trình có bầu nên chị rất lo lắng, không hiểu vì sao lại liên tiếp bị sảy thai như thế. Đến lúc đi khám chị mới biết nguyên do là vì tử cung có vách ngăn, vi thế thai chỉ phát triển đến một mức độ nào đó thì bị hỏng.
Tiến sĩ Đức cho biết, tử cung có vách ngăn là dị dạng tử cung thường gặp nhất. Những trường hợp này có thể dễ dàng phát hiện nhờ siêu âm, soi ổ bụng… Bất thường ở tử cung này có thể khiến chị em gặp khó khăn trong quá trình thụ thai, hoặc nếu có đậu thai thì cũng dễ sảy như trường hợp của Ngọc. Các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ vách ngắn.
Cũng theo bà, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sảy thai liên tiếp. Đó có thể là do tử cung bị dị dạng như: tử cung đôi, tử cung một sừng (chỉ có một buồng trứng và vòi trứng)… Hoặc cũng có thể do vấn đề nội tiết không sản xuất đủ progesterone nuôi dưỡng thai, mẹ bị tiểu đường, cao huyết áp…
Ngoài ra, một nguyên nhân hay gặp nữa là do tình trạng nhiễm khuẩn tử cung khiến trứng không làm tổ được hoặc nhiễm khuẩn toàn thân thể nặng ở người mẹ (như bị rubella) khi mang thai dẫn đến lây nhiễm cho thai. Cũng có thể nguyên nhân ở phía nam giới như tinh trùng dị dạng, đầu bé…
Tiến sĩ Đức cho biết, với sự phát triển của y học ngày này, hoàn toàn có thể can thiệp để giữ thai. Vì thế, chị em không nên quá lo lắng, tránh ảnh hưởng đến quá trình mang thai cũng như gây xích mích giữa hai vợ chồng.
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Chẳng hạn, nếu nguyên nhân là do vấn đề nội tiết thì có thể uống thuốc, nếu tử cung đôi hay có vách ngăn thì có thể phẫu thuật tạo hình dáng bình thường cho tử cung. Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ sẽ khâu eo cổ tử cung như một biện pháp dự phòng để giữ thai.
Theo các chuyên gia, trước khi lập gia đình, chị em nên đi khám sức khỏe để được khám và theo dõi ngay từ khi chưa có thai. Nếu có những bất thường khiến thai dễ sảy hoặc sinh non, thì chị em cần đi khám để được bác sĩ theo dõi, hỗ trợ sớm và chỉ định những thuốc cần thiết. Những người từng sảy thai nhiều lần nên tránh lao động nặng, hạn chế thuốc lá và rượu. Sau mỗi lần sảy, chị em nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới có thai lại.