Việc cho con đi ngủ và ngủ ngoan trên giường là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của các bậc cha mẹ. Mặc dù có nhiều bé đi ngủ rất ngoan và đúng giờ, nhưng trên thực tế có tới 40% số trẻ gặp phải các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.
Các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra sáu sai lầm phổ biến nhất mà cha mẹ hay gặp phải trong lúc cố gắng cho con ngủ. Nhưng rất may là những sai lầm này có thể sửa chữa được, các chuyên gia về giấc ngủ cũng xác nhận rằng, việc thay đổi thói quen cũng như môi trường sẽ làm chuyển biến đáng kể những khó khăn trong việc điều chỉnh giấc ngủ.
1. Cho trẻ đi ngủ quá muộn
Đa phần trẻ em ngày nay ngủ ít hơn so với trẻ em cách đây vài thập niên, một nghiên cứu cho thấy, các bé 2 tuổi bây giờ ngủ ít hơn 40 phút so với bố mẹ chúng trước đây. Đây là hậu quả của việc đi ngủ muộn, ngủ khó khăn và hay thức dậy vào ban đêm.
Có lẽ, lý do là bạn không cho trẻ đi ngủ theo một lịch cố định, hoặc do bạn quá bận đến mức không có thời gian dành cho con nên muốn chơi thêm với con một chút vào tối khuya. Khi chơi quá mệt, trẻ thường khó ngủ và ngủ không sâu, chúng sẽ dậy sớm hơn thường lệ.
Bạn nên thiết lập một chế độ ngủ thường xuyên và đều đặn cho bé và buộc phải tuân theo nghiêm ngặt. Không nên chờ cho đến khi bé dụi mắt, ngáp ngủ… mới cho bé đi ngủ, bởi đến lúc đó bé đã quá buồn ngủ rồi. Chỉ cần ngủ sớm 15 hoặc 20 phút thôi cũng tạo ra sự khác biệt rất lớn.
2. Cho con ngủ khi đang di chuyển
Hình ảnh bé yêu say sưa ngủ ở ghế sau xe thường là một hình ảnh rất dễ thương và nhiều ông bố, bà mẹ không muốn phá vỡ khoảnh khắc tuyệt vời ấy, cũng có nhiều người tận dụng việc di chuyển để con ngủ thay giấc ngủ trưa hoặc tối.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khẳng định rằng việc trẻ phải ngủ trong tình trạng chuyển động – ngủ trong xe đẩy hoặc xe hơi – khiến giấc ngủ không sâu, khó phục hồi giấc ngủ hơn do sự kích thích chuyển động. Nếu bạn phải di chuyển xa, hạn chế cho bé ngủ hoặc nên đỗ xe lại một lát cho bé tỉnh ngủ.
3. Quá nhiều thứ khiến trẻ bị phân tâm
Nhiều cha mẹ có thói quen để điện thoại di động ở đầu dường nhưng điện thoại lại chính là vật dễ khiến trẻ bị phân tâm nhất, bởi âm thanh, ánh sáng…
Không chỉ các em bé mới bị phân tâm khi đang ngủ, trẻ lớn hơn thường có nhiều đồ chơi và được xếp đầy quanh giường, đây cũng là một nhân tố kích thích khiến trẻ khó có thể đi ngủ ngay được.
Lời khuyên dành cho bạn trong trường hợp này là hãy tắt tất cả mọi nguồn phát sáng cũng như chuyển động trong phòng. Đối với những trẻ sơ sinh hoặc lớn hơn 1 chút, bạn nên tập cho bé thói quen ngủ trong bóng đêm hoàn toàn, để giấc ngủ yên bình và bé cũng không hình thành nỗi sợ hãi bóng tối.
Bạn cũng không nên đặt tivi, máy vi tính trong phòng ngủ của con, một chương trình hay hoặc một đĩa bé yêu thích sẽ chiếm mất nhiều giờ đồng hồ ngủ quý báu của bé đấy.
4. Dễ bỏ qua thói quen ngủ đúng giờ
Đối với các gia đình có con lớn, càng ngày thói quen đi ngủ đúng giờ càng dễ bị lãng quên bởi vì họ đã nhầm lẫn, tin rằng con mình đã lớn, hoặc đã đến lúc con có thể tự duy trì thói quen cho mình. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một khi trẻ ở độ tuổi đi học không có thói. Vì vậy, bất kể tuổi tác của con bạn thế nào, hãy cho bé thực hiện việc ăn ngủ đúng giờ.
5. Không thống nhất
Thỉnh thoảng, khi con bạn không thể ngủ, bạn nằm xuống bên cạnh con cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Hoặc có thể bạn cho phép bé được vào giường ngủ với bạn lúc nửa đêm…
Nhiều bậc cha mẹ không quan tâm khi có con vào ngủ cùng, nhưng thường thường, cả nhà lại ngủ chung trong một chiếc giường rất chật.
Bố mẹ nên đưa ra quy định rõ ràng và thống nhất với con về vị trí ngủ, nếu ban đêm bé vào giường bạn, hãy chờ con ngủ rồi nhẹ nhàng bế con quay trở lại giường của bé. Nếu bé bị ốm hoặc sợ hãi một điều gì đó, bạn có thể ở bên hoặc cho bé vào giường bạn ngủ, nhưng sau đó sinh hoạt phải trở lại nhịp điệu ngày thường ngay.
6. Cho bé chuyển từ cũi ra giường quá sớm
Con bạn vừa tròn 2 tuổi và bạn mừng rỡ ăn mừng bằng cách chuyển cho bé từ cũi ra ngủ ở giường. Nhưng ngay khi bạn thực hiện việc này, bé sẽ không thể ngủ được ngay, sẽ thức dậy khi đèn phòng bị tắt hoặc tỉnh giấc khi buồn đi vệ sinh.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì trước 3 tuổi, nhiều trẻ em chưa sẵn sàng để ngủ một mình trên chiếc giường to lớn kia. Bé không nhận thức và điều khiển được ranh giới khác nhau giữa giường và cũi.
Hãy chờ đến khi con bạn 3 tuổi hãy nghĩ đến chuyện chuyển con ra giường ngủ. Nếu bé vẫn gặp khó khăn khi ngủ một mình ở giường, bạn có thể dành cho bé thêm thời gian để thích nghi.