100% mẫu đồ chơi đĩa bay UFO xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng phthalates vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thậm chí tới 5.000 lần. Song chúng vẫn lưu thông trên thị trường Việt Nam bởi người mua không biết phthalates có thể gây dị thường ở bộ phận sinh dục của bé trai.
Nếu như mỹ phẩm là một phần cuộc sống của phái đẹp thì đồ chơi, trong suy nghĩ của các cháu, là thế giới huyền thoại trên trần gian với hạnh phúc tuyệt vời và không thể thiếu được chỉ dành cho chúng mà thôi. Oái oăm thay, sự đam mê, háo hức, tò mò và lòng yêu mến đồ chơi không được cơ quan kiểm duyệt đóng dấu an toàn, giống như quả bom nổ chậm đe dọa sức khỏe và trí tuệ của “thế hệ đồ chơi”.
Sản phẩm của Trung Quốc chiếm 75% thế giới thị phần đồ chơi trẻ em
Hiện nay, thị trường đồ chơi thế giới đang liên tục tăng trưởng và là một ngành kinh doanh dễ kiếm tiền nhất vì nhu cầu về đồ chơi cho trẻ em không ngừng tăng với đà tăng dân số trên khắp thế giới.
Theo số liệu của Hội đồng Quốc tế về các ngành công nghiệp đồ chơi (ICTI), doanh thu đồ chơi trẻ em trên toàn thế giới có thể sẽ lên đến 86,4 tỷ USD vào năm 2010 và tăng 14% so với năm 2008. Trong đó, Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu đồ chơi lớn nhất thế giới với 75% thị phần trên thị trường quốc tế. Tuy thế, ngày lại ngày, đồ chơi xuất khẩu của Trung Quốc đang trở thành đối tượng thường xuyên bị các cơ quan quản lý sở tại “đưa vào kính ngắm” và bị thu hồi với số lượng lớn do không đảm bảo chất lượng an toàn cho sức khỏe.
Từ tháng 1/2005 đến tháng 9/2006, các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm đến 48% số lượng sản phẩm không đảm bảo quy chuẩn bị Mỹ và EU tiêu huỷ. Nguyên nhân dẫn tới hậu quả này là do đồ chơi của Trung Quốc chứa các chất độc hại vượt mức cho phép như chì, phthalates trong lớp sơn phủ hoặc các bộ phận nhỏ lỏng lẻo dễ gây hóc, tắc cổ họng ở trẻ nhỏ.
Đứng trước nguy cơ bị mất tới 70% thị phần xuất khẩu đồ chơi tại hai thị trường cơ bản và đầy tiềm năng là Mỹ và EU, ngành công nghiệp đồ chơi của Trung Quốc đã áp dụng chính sách cứng rắn bắt buộc nhà sản xuất phải có giấy chứng nhận của nhà nước Trung Quốc (CCC) về các tiêu chuẩn quốc gia an toàn đồ chơi mới được phép xuất ra khỏi nhà máy và lưu thông trên thị trường.
Tuy vậy, một công bố mới của Hãng thông tấn AP về kết quả điều tra đồ trang sức của Trung Quốc bán tại Mỹ chứa kim loại cadmi với lượng không cho phép đã một lần nữa cảnh tỉnh người tiêu dùng hãy vì tương lai của con em chúng ta nên cẩn trọng với đồ chơi.
Còn tại Việt Nam, thực tế hàng chục năm qua cho thấy, hàng hoá giá rẻ trong đó có đồ chơi mang dòng chữ “Sản xuất tại Trung Quốc” đang thống lĩnh thị trường Việt Nam và đặc biệt nhất là chúng hoàn toàn tự do tung hoành trên khắp miền đất nước mà không bị một cơ quan chức năng nào làm khó dễ cho tận tới ngày 26/6/2009, khi Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”, theo đó tất cả các loại đồ chơi trẻ em đều phải được quản lý nhà nước về chất lượng và chỉ được lưu thông khi được dán tem hợp chuẩn.
Vậy sau khi có luật thì tình hình có khác xưa? Thực tế cho thấy đến thời điểm này, đồ chơi Trung Quốc tràn ngập Việt Nam – chiếm đến 90% thị trường và đáng báo động nhất là chúng chứa đầy chất độc hại không rõ nguồn gốc và chẳng hề có dấu hợp quy chứng nhận an toàn của nhà nước ta.
Theo ông Nguyễn Trung Việt – Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM – Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, việc trẻ em tiếp xúc với đồ chơi có hóa chất độc hại gây ra các triệu chứng như loét miệng, tay, chân, viêm mũi dị ứng… khá phổ biến. Tuy nhiên, những căn bệnh trên chưa nguy hiểm bằng các chứng bệnh liên quan đến nội tạng mà phải 10 đến 15 năm mới phát bệnh như tiêu chảy, mất khả năng tiết các chất dịch vị tiêu hóa, loét bộ phận như dạ dày, đường ruột…
Chất cực độc làm mềm đồ chơi phthalates
Từ năm 1999, châu Âu đã có lệnh cấm dùng hóa chất Phthalates để làm đồ chơi. Trẻ em rất dễ bị nhiễm độc khi nhai, ngậm đồ chơi bằng nhựa chứa Phthalates. Hóa chất này từ lâu đã bị cho là thủ phạm có liên quan đến sự tổn thương hệ sinh sản và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và ung thư.
Một nghiên cứu của Đại học Rochester, Mỹ, công bố vào tháng 5 cho thấy, phthalates có thể gây dị thường ở bộ phận sinh dục của bé trai. Nghiên cứu trước đó trên động vật cũng thừa nhận nhóm chất này có thể làm tổn thương sự phát triển của hệ sinh sản bằng cách gây rối loạn nội tiết tố.
Thí nghiệm trên động vật, phthalates cho thấy khả năng thúc đẩy quá trình sinh sôi bào quan peroxisome và nhân đôi tế bào gan một cách bất thường, dẫn đến mất cân bằng các quá trình tạo và phân hủy H2O2, trực tiếp hay gián tiếp tạo các gốc tự do hoạt động, phá hủy màng tế bào hay DNA gây ung thư gan. Các liên kết phthalates nồng độ cao gây phơi nhiễm cơ thể dẫn tới các bệnh có liên quan đến các vấn đề sinh sản, dậy thì sớm, ung thư tinh hoàn, gây hỏng gan, da, góp phần gây bệnh suyễn, làm giảm chức năng buồng phổi ở nam giới…
Các nước xung quanh Việt Nam cũng vấp phải những vấn đề tương tự, nhưng cách giải quyết của họ thì khác ta. Hiệp hội Tiêu dùng Singapore (CASE) cho công bố kết quả tiến hành kiểm tra các mẫu đồ chơi bán tại Singapore từ tháng 3 đến tháng 7-2010 cho thấy gần 50% số mẫu có dư lượng hóa chất độc hại, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Sau khi công bố trên phát ra, ngay lập tức các siêu thị nổi tiếng như Fairprice, Giant, Carrefour… đã ngưng bán các đồ chơi bị CASE chỉ đích danh vì khác đi sẽ bị luật pháp trừng trị.
Tại Ấn Độ, Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) đã tiến hành nghiên cứu một số mẫu đồ chơi đã đưa ra kết luận 45% số mẫu có chứa lượng phthalates cao vượt quá mức độ an toàn được quốc tế công nhận. Một số đồ chơi còn vượt mức hạn quy định mà EU đưa ra tới 60-160 lần.
Bà Sunita Narayan – Giám đốc CSE đã ngay lập tức quy trách nhiệm này cho chính phủ trong một cuộc họp báo ở New Delhi: “Tôi nghĩ rằng mối quan tâm thực sự trong vấn đề này là ở Ấn Độ, nơi Chính phủ đã bỏ qua các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp chứ không phải từ Chính phủ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề liên quan tới người Trung Quốc, còn Chính phủ Ấn Độ phải nhận trách nhiệm trước người dân Ấn Độ” (Reuters).
Điều này đã có tác dụng ngay lập tức khi nhà nước công bố một lệnh cấm nhập khẩu đồ chơi không đạt tiêu chuẩn an toàn. CSE cũng đã kêu gọi chính phủ áp đặt các tiêu chuẩn bắt buộc trên tất cả các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa trong nước và nhập khẩu càng sớm càng tốt.
Còn nước ta? Cuối tháng 8/2010, TUV Rheinland Việt Nam – Công ty chuyên kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập, có trụ sở Centrepoint 106, Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM đưa ra báo cáo: 100% mẫu đồ chơi đĩa bay UFO xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng phthalates vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thậm chí tới 5.000 lần. Song chúng vẫn lưu thông trên thị trường và vẫn hút hồn hầu hết thiếu nhi Việt Nam bởi những vầng quang kỳ ảo trên bầu trời.
Để so sánh sự tắc trách trên, chúng ta có thể tham khảo một ví dụ mới nhất tại Mỹ: Khi bộ 4 cốc uống nước in hình các nhân vật của phim Shrek bị phát hiện trong sơn có chứa cadmi với hàm lượng thấp hơn nhiều so với những sản phẩm nữ trang trẻ em, lập tức chúng đã bị “bóc” ra khỏi danh sách tiêu thụ ở Mỹ và Canada với 13,4 triệu sản phẩm bị thu hồi và Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) tiếp tục cảnh báo người tiêu dùng ngay lập tức vứt bỏ những chiếc cốc này. Còn nhà phân phối McDonald cho biết họ sẽ sớm đăng trên website hướng dẫn về việc hoàn lại tiền cho khách đã mua hàng.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên viên kinh tế cao cấp đã rất có lý khi trả lời dư luận trong và ngoài nước nói nhiều đến việc quần áo hay đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất chứa hóa chất độc hại, gây nhiễm trùng da hoặc đường hô hấp, thậm chí là tác nhân gây nên bệnh bạch cầu, ung thư… nhưng cảnh báo chỉ là cảnh báo, còn kiểm soát như thế nào đành chịu là do nước ta bị “lỗ hổng về trách nhiệm”.
Trong lúc đó, vô khối bài học về quản lý hàng nhập khẩu được đăng lên trang mạng và báo chí trong nước. Ví dụ như kinh nghiệm quản lý hàng nhập khẩu tại Nhật Bản cho thấy, khâu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu là rất chặt chẽ ngay tại cửa khẩu. Việc để lọt lượng hàng kém chất lượng vào thị trường là rất hiếm. Thậm chí, nếu cần Chính phủ sẽ cử người đến giám sát tại công ty sản xuất hàng hóa xuất khẩu để kiểm tra chất lượng, số lượng hàng hóa trước khi cho nhập vào trong nước vẫn “không lay động được” các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam.