Nỗi sợ hãi bóng tối của trẻ con có nhiều dạng: Từ đơn giản, là khi đi một mình trong hành lang tối, chúng thường thấy những con quái vật rình rập, cho đến chuyện chúng kể thường nghe thấy tiếng nói của những con quái vật và cảm thấy có ai đó chạm vào mình.
Một số cha mẹ rất lo lắng về vấn đề này, họ hỏi các nhà tư vấn tâm lý rằng họ có cần đưa con đến bác sĩ thần kinh hay không? Thậm chí có những người ở làng quê còn dùng các biện pháp mang tính mê tín dị đoan để chữa trị cho trẻ. Hầu hết các nhà tâm lý học trẻ em đều khuyên cha mẹ hãy thuyết phục trẻ rằng trong bóng tối chẳng có gì đáng sợ cả. Họ cũng khuyên các bậc cha mẹ hãy chắc chắn rằng trẻ em không bị kích động trước khi đi ngủ, trò chuyện với trẻ và cố gắng không để con nằm một mình ngay sau khi tắt đèn.
Một số chuyên gia tin rằng trẻ em sợ bóng tối do những gì mà chúng nhận được một cách vô thức vào ban ngày, thế nhưng lại không được giải thích một cách logic cho những sự việc đó và vì thế mà chúng ghi nhận những sự việc đó trong một hình thức đáng sợ. Từ đó họ đưa ra lời khuyên: hãy trò chuyện với con, nói cho trẻ biết rằng trong bóng tối không có mối đe dọa nào, và tất cả mọi thứ có thể được giải thích một cách hợp lý.
Tuy vậy, có những nhà tâm lý học cho rằng cách giải thích và phương pháp này có vẻ là sự tự tưởng tượng ra. Tại sao, họ phản bác, những ý thức ấy lại có những hình dạng đáng ngạc nhiên và chỉ trong bóng tối. Bên cạnh đó, thật ra không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng thường sợ bóng tối (dù ít có ai dám thừa nhận điều đó).
Khi một đứa trẻ sợ hãi bóng tối (và cả người lớn cũng thế) họ sẽ không tự kiểm soát việc sản xuất chất noradrenalin, và vì thế, chỉ có sự thuyết phục, kêu gọi người ta cố gắng tự chủ bằng những giải thích logic sẽ không giúp được gì. Để chữa bệnh sợ hãi bóng tối của trẻ em, phải giúp các em thoát khỏi tình trạng căng thẳng, mà bóng tối là nguyên nhân hiển nhiên. Nhưng làm thế nào để thoát được điều đó?
Có một điều rất thú vị là, các hướng dẫn cho điều này được mô tả chi tiết trong cuốn sách thứ ba của bộ sách Harry Potter. Chuyện kể về Bogart – con ma luôn luôn có hình dạng của những gì mà người ta sợ nhất. Để đối phó với điều ấy, người ta khuyến khích hãy tưởng tượng ra con quái vật trong một hình thức hết sức buồn cười. Bởi vì sự sợ hãi và tiếng cười, như chúng ta biết, là hoàn toàn không thể xảy ra song song. Bạn sẽ không phải sợ những điều làm bạn buồn cười nữa.
Phương pháp này có thể giúp trẻ đối phó với nỗi sợ bóng tối. Đầu tiên cần phải hỏi đứa trẻ một cách kỹ lưỡng về những cơn ác mộng trong đêm của bé. Tiếp theo hãy tìm cách miêu tả nhưng con quái vật ấy một cách không đáng sợ hãi mà là buồn cười (ví dụ, chúng mặc quần áo trẻ sơ sinh hoặc bắt chúng hát trong dàn đồng ca ‘Te tò te đây là ban kèn ơi…’)
Đây chính là điều chúng ta có thể giúp trẻ em: cùng chúng tưởng tượng ra những câu chuyện ngộ nghĩnh với những con ma. Bạn có thể tổ chức một cuộc thi vẽ vui trong nhà ‘Những con ma vui vẻ’, hay vẽ theo chủ đề ‘Những cơn ác mộng buồn cười nhất’. Bạn cũng có thể tổ chức buổi sáng tác về đề tài những chuyện hài hước về quái vật ( điều quan trọng là các con bạn sẽ buồn cười)
Nếu bạn thực hiện điều này mỗi lần trước khi đi ngủ, bạn sẽ thấy rằng một tháng sau, con bạn sẽ quên được nỗi sợ hãi bóng tối. Kèm với các câu chuyện, bạn có thể cùng con đi qua hành lang tối, hay vào những phòng tối và làm cho con buồn cười với những câu chuyện của mình, sao cho chúng không còn thời gian để nghĩ đến những điều đáng sợ.
Bạn thấy đó, với cách này, bạn có thể giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi. Chỉ có điều bạn nên nhớ rằng con trẻ luôn luôn cần sự giúp đỡ của bạn, một mình nó sẽ rất khó khăn để đối phó với những phản ứng sinh học của cơ thể, những phản ứng mà con người ta đã phải đấu tranh trong suốt hai triệu năm qua. Bạn không việc gì phải xấu hổ, hoặc chê trách con, nếu bạn không thành công ngay lần đầu tiên – điều đó sẽ chỉ làm con bạn thêm sợ hãi. Hãy tiếp tục giúp con cười vào những cơn ác mộng, chỉ có tiếng cười mới xua đuổi được sự sợ hãi mãi mãi …