Các bậc cha mẹ thời nay có thường “trút” nỗi buồn phiền lên đầu con trẻ hơn những bậc phụ huynh ở thập kỉ trước hay không? Theo một nghiên cứu mới đây, câu trả lời là không. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ em bị ngược đãi tại Hoa Kỳ có xu hướng giảm, mặc dù tình hình kinh tế vẫn khá ảm đạm. Đương nhiên, đây là thành tựu đáng hoan nghênh của ngành giáo dục, của nỗ lực kìm hãm và giảm thiểu bạo lực gia đình trong suốt thập kỉ qua. Tuy nhiên, một phương diện khác cũng tương đối thú vị của nghiên cứu này là: ngày nay, dường như chúng ta thường không muốn cho con cái biết về những trục trặc tài chính đang xảy ra với mình.
Đây có lẽ là một điều tốt. Trẻ em không nên bị ngược đãi dù bất kì lý do gì, và cũng không em nhỏ nào đáng phải hứng những bộn bề của cuộc sống phức tạp này quá sớm. Mặc dù vậy, chúng ta không khỏi băn khoăn: liệu ta có nên bảo vệ trẻ khỏi những toan tính của đời sống tài chính, giả vờ như mọi thứ đều vẫn ổn, hay việc chia sẻ cho trẻ những lo toan của bố mẹ là điều nên làm?
Trường hợp thứ nhất: Giả như mọi thứ vẫn ổn
Trẻ em có những lo lắng rất riêng ở tuổi của chúng. Chúng ta thường không mấy quan tâm, cho rằng những suy nghĩ này là vô hại hay không quan trọng như những vấn đề của người lớn. Có thể đây là một sai lầm nghiêm trọng. Ở độ tuổi còn non nớt, stress là một vấn đề lớn đối với con trẻ. Chúng có thể chưa nghĩ tới việc làm thế nào để có tiền đi chợ mua đồ ăn mỗi ngày, hay tiết kiệm tiện bạc phòng đau ốm về sau…, nhưng những rắc rối ở trường học, với bạn bè là có thật. Trẻ chưa hoàn toàn đủ nhận thực để hiểu được những vấn đề “cơm áo gạo tiền”, và dù sao đi chăng nữa, chúng vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ.
Nếu bạn đồng tình với quan điểm này, nghĩa là bạn đã cho rằng trút gánh nặng của người lớn lên đầu con trẻ là hoàn toàn sai, rằng chúng ta phải bảo vệ trẻ khỏi những lo toan trước tuổi, cho trẻ có cơ hội tập trung giải quyết những rắc rối ở tuổi của mình, giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ “nặng nề” nhất của chúng – đó là học tập trưởng thành. Chia sẻ với con nhỏ rằng bạn đang phải đương đầu với khủng hoảng tài chính, và bạn không còn có được thu nhập như trước sẽ chỉ khiến trẻ thêm stress không cần thiết. Hơn nữa, rất có thể trẻ sẽ cảm thấy bất lực khi không làm được gì để giúp cho cha mẹ bớt muộn phiền.
Trường hợp thứ 2: Thẳng thắn chia sẻ với con cái những vấn đề của bạn
Ngược lại, một người có thể lý luận rằng trẻ em cũng là một phần của tổ ấm, và nếu như chúng không đóng góp được gì cho kinh tế gia đình, nhiệm vụ của cha mẹ là giúp cho chúng sẵn sàng “đương đầu” với cuộc sống bằng việc giải thích cho trẻ hiểu những khái niệm tài chính cơ bản và đơn giản nhất, như tiết kiệm chẳng hạn. Khủng hoảng kinh tế cũng là một cơ hội tốt để mọi người nhìn nhận và đánh giá cao hơn tầm quan trọng của chi tiêu hợp lý, ngân sách phòng rủi ro, tránh khỏi nợ nần v.v…
Một lý do nữa để thẳng thắn với con cái là mặc dù có thể bạn khá giỏi che giấu mọi chuyện, trẻ vẫn sẽ cảm thấy điều gì đó không ổn trong gia đình mình. Đương nhiên, trẻ sẽ hiểu cha mẹ đang stress qua lời nói, cử chỉ, và nếu không được biết chuyện gì đang xảy ra, với bản tính tò mò, trẻ sẽ càng thêm lo lắng, sợ hãi. Hãy nói với trẻ rằng đây là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và mọi người đều đang phải hứng chịu nó. Cha mẹ hơi lo lắng một chút, nhưng sẽ tìm ra cách để ổn định lại tình hình. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều việc không nói cho trẻ bất cứ một điều gì.
Lựa chọn phương án nào, quyền quyết định nằm ở bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, không sớm thì muộn, con bạn sẽ phải đối mặt với chính những vấn đề tương tự như của bạn khi chúng bước vào đời. Vì vậy, chuẩn bị tâm lý cho trẻ không bao giờ là quá sớm cả.