Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS – tức số trẻ em trai sinh ra trên 100 trẻ em gái) hiện nay của Việt Nam là 110,6 cao hơn đáng kể so với mức chuẩn sinh học bình thường là 105. Đây là một nguy cơ đáng lo ngại, đã được cảnh báo trước từ kinh nghiệm của một số nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Khi các bà mẹ lựa chọn giới tính cho con
Ông Nguyễn Đại Thụ, cán bộ chính sách Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, sự thay đổi dần dần tỷ số giới tính ở Việt Nam là một hiện tượng phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, sự thay đổi tỷ số giới tính nói chung liên quan chủ yếu tới sự gia tăng TSGTKS. Sự gia tăng này liên quan đến việc lựa chọn giới tính trước sinh, phản ánh sự ưa thích con trai hơn con gái. Với bằng chứng từ số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Việt Nam, UNFPA đã cảnh báo rằng trình độ học vấn của người mẹ và điều kiện kinh tế của hộ gia đình quan hệ tương hỗ chặt chẽ với tỷ số giới tính khi sinh.
Cụ thể, ở nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn thì TSGTKS là 107,1, ở nhóm trung học phổ thông và học nghề lên đến 111,4, ở nhóm có trình độ cao đẳng trở lên là 113,9. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tùy thuộc nhiều vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình.
Nhóm dân số nghèo nhất thường có TSGTKS rất gần với mức bình thường là 105, trong khi đó với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112. Khi xem xét các biến số cá nhân khác được phân tích trước đây như việc làm, dân tộc, trình độ giáo dục, kết quả thu được càng khẳng định thêm mối liên quan chặt chẽ giữa mức sống và khả năng lựa chọn giới tính. Những phụ nữ có trình độ giáo dục cao, sống trong các hộ gia đình khá giả về tiềm lực tài chính, dễ dàng tiếp cận với các kỹ thuật chọn lọc giới tính trước khi sinh hiện đại.
Cách đây không lâu, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội tại một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và duyên hải cũng cho thấy có tới 2/3 số phụ nữ biết giới tính của con trước khi sinh, 98% trong số đó là qua siêu âm. Trong khi tại các bệnh viện, việc công bố giới tính thai nhi là điều nghiêm cấm thì tại các phòng khám tư nhân, việc làm này dường như dễ dàng hơn khi bác sĩ nói miệng hoặc sử dụng một cách ví von để sản phụ dễ dàng biết giới tính con mình.
Không chỉ vậy, mặc dù chưa được khoa học kiểm chứng song rất nhiều hình thức hỗ trợ “có con trai” vẫn được các bà mẹ áp dụng, như nhờ thầy thuốc tư vấn, nghiên cứu tài liệu sách báo, các trang web, dược phẩm… Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Dân số, Nghị định 104/2004/NĐ-CP và Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ, song việc phát hiện và xử lý lại vô cùng khó khăn do thiếu chứng lý, lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, quy định về quyền hạn xử phạt còn hạn chế.
Áp lực cho xã hội
Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, tình trạng mất cân bằng giới xảy ra trên thế giới trong khoảng 1, 2 thập kỷ trở lại đây, chủ yếu ở những nước triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình (hạn chế số con sinh trong gia đình). Còn theo UNFPA, mặc dù TSGTKS của Việt Nam mới chỉ tăng ở mức độ vừa phải so với một số quốc gia khác (Ấn Độ là 112, Trung Quốc 120, Azerbaijan 117…) nhưng sự mất cân bằng tỷ số này tại Việt Nam lại gia tăng nhanh chóng mới chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây với một điểm phần trăm một năm, cao hơn bất cứ quốc gia nào. Dựa theo kinh nghiệm của các nước khác, chúng ta có thể dự đoán rằng TSGTKS của Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng trước khi có dấu hiệu chững lại hoặc thậm chí giảm.
Hậu quả tiêu cực của tình trạng mất cân bằng TSGTKS sẽ tác động trực tiếp đến giới trẻ, cụ thể là khả năng tìm kiếm bạn đời. Điều này cũng tạo ra áp lực rất lớn với phụ nữ (bạo hành giới, nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm…). UNFPA cảnh báo, từ sau năm 2009, TSGT của nhóm dân số trưởng thành trong độ tuổi kết hôn sẽ tăng từ mức 100 hiện nay lên 105 vào năm 2029, sự gia tăng này không phụ thuộc vào những thay đổi của TSGTKS. Sau giai đoạn này, nó sẽ tăng tiếp lên 113 vào năm 2049 nếu không có những biện pháp can thiệp, tương ứng với mức dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50. Sự dư thừa này có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng trên thị trường hôn nhân”.
Phân tích của các chuyên gia cũng cho thấy những rủi ro lớn nếu chúng ta có thái độ bàng quan, thiếu biện pháp can thiệp kịp thời. Tìm kiếm các can thiệp có hiệu quả nhằm thay đổi tâm lý ưa thích con trai và giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh ở Việt Nam là một thách thức không nhỏ.