Phòng bật điều hòa nhưng các bà bầu vẫn kêu nóng nên bật thêm cả quạt. Nhiều lúc ngủ quên, quạt thổi tốc cả váy khiến mấy cậu thanh niên được phen hết hồn.
Đến các cơ quan, hầu như thời điểm nào người ta cũng thấy vài bà bầu khệ nệ qua lại. Nhiều chị bụng vượt mặt vẫn kiên nhẫn ngày hai buổi đi làm.
Dở khóc dở cười với bụng bầu
Phúc, nhà ở đường Nguyễn Khánh Toàn, (Cầu Giấy, Hà Nội) đang làm việc trong một công ty Tư vấn xây dựng, cho biết cả công ty anh hiện có 5 bà bầu. Trụ sở công ty có ba tầng nhà, đi vào hay đi ra, đi lên hay đi xuống đều chạm “mấy cái bụng”. Phúc và mấy đồng nghiệp khác đều trai chưa vợ, có người còn chưa cả người yêu nên nhìn mấy cái bụng của các chị cũng thấy hơi ngại. Các chị lại hay mặc váy mỏng, hằn lên cái rốn lồi to tướng như quả quýt khiến mấy cậu thanh niên có gặp cũng không dám nhìn. Có người “ngứa mắt” mạnh dạn nhắc thì được nghe ngay lý sự cùn: “Ui dào bầu bí thế này ai người ta thèm ngắm nữa mà phải quan trọng. Bầu đã xấu lắm rồi, có xấu hơn tí nữa cũng chả sao, ai hơi đâu mà đi cười bà bầu chứ”.
Phúc và một cậu vừa ra trường làm việc cùng phòng với hai bà bầu. Buổi trưa, cả hai chị đều ngả ghế nằm ngủ luôn giữa phòng. Phòng có bật điều hòa nhưng các “bà ỏng” vẫn kêu nóng nên bật thêm cả quạt. Nhiều lúc ngủ quên, quạt thổi… tốc cả váy lên khiến hai cậu được phen hết hồn. Thế nên cứ ăn trưa xong là hai anh chàng không dám bén mảng vào phòng mà toàn rủ nhau ra quán trà đá ngồi… ngáp vặt, chờ đến giờ làm việc buổi chiều. “Nhiều trưa muốn làm cố cho xong việc nhưng không đủ dũng cảm ngồi lại trong phòng”, Phúc nói.
Trong giờ ăn trưa ở nhiều công sở, đám thanh niên trẻ còn được “rửa tai” bằng những câu chuyện “chuyên khoa sản” mà các bà bầu chia sẻ với nhau. Dù họ không cố tình nghe nhưng tất cả vẫn lọt hết vào tai vì những “thì thầm” tế nhị đó được nói với âm lượng mà có ngồi cuối phòng cũng nghe thấy. Từ kinh nghiệm bụng to thì “yêu” chồng tư thế nào cho thích hợp đến chuyện chỗ này rạn, chỗ kia thâm thì phải làm sao, lúc đẻ sẽ phải “rạch” và “khâu vá” thế nào… đều được các chị có kinh nghiệm truyền cho người mới chửa và… cả cơ quan để cùng tham khảo.
Mấy anh, mấy chú lớn tuổi đã có gia đình thì thấy đó là chuỵện thường và thỉnh thoảng còn chêm vào mấy câu tếu táo để cùng cười. Chỉ khổ cho mấy thanh niên “chưa biết gì”, ngồi ăn mà cứ đỏ hết cả mặt vì xấu hổ. Có cậu nửa đùa nửa thật xin các bà bầu “tha” cho thì bị đốp ngay: “Chúng mày chịu khó học dần đi sau này còn biết đường mà chia sẻ với vợ chứ”.
Sếp cũng… khó nói
Chuyện công việc của các bà bầu nhiều khi cũng khiến các sếp đau đầu. Tất nhiên khi nhân viên nữ đã bụng mang dạ chửa thì từ sếp đến các đồng nghiệp chẳng mấy ai so đo, tị nạnh. Thế nhưng cũng không ít bà “ỷ thế … bụng to”.
Nguyệt Minh (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) là nhân viên văn phòng của một cơ quan nhà nước đang mang thai đứa con đầu lòng. Vì cơ quan không áp dụng kiểu chấm công, quẹt thẻ, các sếp cũng dễ tính nên từ ngày có bầu, Minh đi làm mà cứ như… đi dạo mát. Giờ làm bắt đầu lúc 7h30 nhưng phải đến quá nửa buổi sáng mới thấy “hai mẹ con” Minh lò dò đến, xách theo nào chuối, nào sữa, nào bánh ngọt bày ngập trên bàn. Chiều chưa đầy 16h đã thấy cô xách túi ra về vì lo… tắc đường. “Bụng em kềnh càng thế này mà phải bơi trong dòng xe cộ ấy thì làm sao chịu nổi”, Minh lý giải. Tất nhiên những công việc phát sinh trong lúc Minh vắng mặt, người khác phải làm đỡ.
Có người gặp sếp góp ý kiến thì được sếp an ủi: “Thôi cố gắng tạo điều kiện cho cô ấy trong thời gian này, mỗi người san sẻ một tí, chả lẽ lại đi tị nạnh với bà bầu”. Thực ra, nhiều sếp cũng không hài lòng với kiểu làm việc quá hời hợt, bớt xén thời gian của nhân viên bầu, nhưng vì ngại nên cũng tặc lưỡi rằng “cũng chỉ vài tháng nữa thôi”.
Nói đi thì cũng phải nói lại, rất nhiều chị em dù “vác bụng” vẫn luôn hoàn thành tốt công việc cho đến ngày cuối cùng trước khi nghỉ sinh. Sáng dậy đã thấy đau bụng âm ỉ, dấu hiệu sắp sinh, nhưng chị Dự, trưởng phòng kế toán của một công ty có trụ sở tại khu Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) vẫn cố đến cơ quan làm nốt bản báo cáo tài chính vì sợ người khác làm không đúng, rồi mới bắt taxi vào viện, gọi chồng con mang đồ vào sau.
Chị Thu Hằng, làm cho một công ty chế biến nước mắm ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, việc các bà bầu được ưu tiên quá đáng như Nguyệt Minh chỉ có ở cơ quan nhà nước chứ tại các công ty tư nhân thì bầu bí hay không cũng vẫn phải hoàn thành công việc của mình, sự ưu đãi họ nhận chỉ là được tạo điều kiện tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn bảo đảm sức khỏe. Nếu làm ít đi thì mức lương nhận được cũng giảm theo tỷ lệ thuận nên trừ khi quá yếu mệt, các nữ nhân viên có thai đều cố gắng làm việc đều đặn, nghiêm túc.
Một số doanh nghiệp khi tuyển dụng còn có thoả thuận với nhân viên là phải làm đủ một thời gian nhất định thì mới được sinh con. Chị Thu Hằng kể, một người bạn của chị làm việc cho một công ty gần hai năm thì lấy chồng rồi có bầu luôn. Vì bị nghén rất nặng, cô phải xin nghỉ nửa tháng. Hôm trở lại cơ quan, sếp gọi lên phòng “nói khéo” để cho thôi việc luôn. Không thể tìm việc mới trong tình trạng bụng mang dạ chửa nên cô đành ngồi nhà cho chồng nuôi, chờ đẻ xong mới tính tiếp.
Anh Vũ Hữu Huân, giám đốc công ty TNHH Hải Long (Thanh Xuân, Hà Nội) thì lại bày tỏ sự cảm thông với các chị em phải đi làm khi mang bầu. Theo anh Huân, không thể đòi hỏi các nhân viên nữ đang mang thai phải có kết quả công việc như những người khác được. Sếp cũng như đồng nghiệp nên giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ trong thời gian này. Thực ra hiện nay mỗi gia đình chỉ sinh một đến hai con nên khoảng thời gian thai sản không nhiều so với cả quá trình mà họ cống hiến, vì thế không nên quá khó khăn mà hãy tạo điều kiện cho họ.
“Còn nếu các cô, các chị ấy cứ sòn sòn năm một, đẻ đến chín mười đứa như các cụ ngày xưa thì chắc công ty tôi cũng phải sửa lại quy định, không tuyển nhân viên nữ vào làm”, anh Huân nói vui.