Đau lòng thay, những câu chuyện trẻ em bị bạo hành đẫm nước mắt vẫn cứ liên tiếp xảy ra hàng ngày, hàng giờ và dưới nhiều hình thức.
Mới đây, ngày 22/10, Bệnh viện Đa khoa huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tiếp nhận, cấp cứu bé trai Trần Thanh Lực mới 20 tháng tuổi (ở ấp Bình Thạnh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) trong tình trạng bị nhiều vết bỏng trên mặt và sốt. Anh Trần Văn Lập – cha bé Lực – cho biết, bé bị cô ruột Trần Thị Thu lấy cây sắt nóng từ lò nấu rượu ấn nhiều lần vào vùng mặt. Mãi đến khi bé kêu khóc, người nhà mới phát hiện và ngăn cản.
Đừng để trẻ em phải chịu những cảnh đau lòng này
Theo chẩn đoán của Bệnh viện Đa khoa huyện Cai Lậy, bé Lực bị bỏng độ 1-2 ở năm chỗ gồm vùng trán, má trái, thái dương trái, cằm trái và cẳng tay trái, mỗi vết bỏng có chiều dài 2-4cm.
Tháng 5/2010, bà Dương Thị Loan (tạm trú tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM) đã thừa nhận thường xuyên đánh con ruột là Bùi Thị Hạ (8 tuổi) bằng cây tầm vông và cán chổi. Lý do đánh con, theo bà Loan, em Hạ hay quậy phá đồ đạc. Bà Loan cũng không nhớ nổi những lúc đánh con vì “đánh nhiều quá”. Bà còn khai có nhốt con vào chuồng chó, gà. Thậm chí, tại cơ quan công an, bố ruột em Hạ còn khai thêm: “Khi tắm, vợ tôi phạt cháu úp mặt xuống thùng nước, đợi bé Hạ ngóc đầu lên rồi nhận đầu xuống tiếp”.
Em Hạ kể, thường xuyên bị đánh khắp người, những lúc bị mẹ nhốt vào chuồng chó em phải chui lỗ chó ra ngoài chơi, chiều lại chui vào. Không chỉ trực tiếp hành hạ con, bà Loan còn sai anh trai Hạ là Bùi Văn Lâm dùng “khổ hình” với em gái.
Năm 2008, dư luận cả nước bàng hoàng khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin cháu bé 5 tuổi Nguyễn Thị Hảo ở Bình Phước bị chính người mẹ ruột của mình hành hạ suốt trong một thời gian dài. Bé bị cắt gân chân, ngón tay, khuôn mặt biến dạng, lưng bị đâm rạch vô số sẹo, nhiều chỗ bị nhiễm trùng, mưng mủ…, thậm chí có dấu hiệu xâm hại và buộc phải đi ăn xin.
Tháng 12/2007, dự luận cũng từng xôn xao trước việc bà Phạm Thị Mai, 33 tuổi, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh – TPHCM, đã nhẫn tâm đánh con là Phạm Huy Hoàng khiến cháu bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Theo lời kể của bà Mai, buổi chiều sau khi đi làm về, thấy bé Hoàng không ngoan vì đánh nhau với chúng bạn chòm xóm nên chị đã bực tức và đánh con. Bà đã dùng bình xịt muỗi đánh vào đầu, mặt con, thậm chí còn dùng cả một chiếc nồi bằng inox đánh thẳng vào đầu con khiến con bất tỉnh cho đến khi được người dân đưa đi cấp cứu và tử vong ngay sau đó.
Em Hồ Hữu Lợi (ở Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) cũng ở trong tình trạng đau xót khi bị mẹ nuôi là Nguyễn Thị Tuyết ngược đãi, đánh đập tàn bạo, trong đó còn dùng búa đập vào đầu để dạy dỗ. Vụ việc xảy ra vào tháng 11/2007, trước đó em Lợi được bà Tuyết nuôi từ năm 2002. Nhận nuôi như vậy nhưng em không hề có giấy khai sinh, không được đi học, đầu óc ngớ ngẩn, trên người đầy những vết thương tích. Điều đáng nói ở đây là mối quan hệ mẹ nuôi – con nuôi giữa bà Tuyết và em Lợi cũng không có một cơ sở pháp lý.
Tháng 11/2007, em Hồ Thị Bông (9 tuổi), ngụ tại quận 2, TP.HCM, thường xuyên bị mẹ nuôi là bà Hồ Thị Ba (57 tuổi), đánh đập, bắt đi ăn xin. Thậm chí, khi không nộp đủ tiền, bé Bông bị bà Ba dội cả nước sôi lên người…
Trao đổi với VietNamNet, bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, đây là nghịch lý của xã hội mà khó lý giải, vì lẽ ra xã hội văn minh hơn thì phải giảm bớt những vụ bạo hành. Có một thực tế là, nhiều khi vợ chồng giận nhau, đánh con; 2 nhà hàng xóm cãi nhau, cũng đánh con,… và nhiều người coi đứa trẻ như là nơi trút giận, thậm chí còn nhốt vào chỗ tối để trẻ hoảng sợ.
Theo bà Mai, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ việc bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là sự tham gia của Hội phụ nữ, nhấn mạnh đến vai trò của người phụ nữ trong việc này.