Thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em năm 2009 vẫn ở mức 32%, nghĩa là cứ ba trẻ dưới năm tuổi thì có một em bị thấp còi. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao hàng chục năm qua, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam ít được cải thiện.
Trẻ em phương Tây có chế độ dinh dưỡng tốt hơn ở Việt Nam
Chuyện của Mai
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Trần Thị Mai (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ra Hà Nội với mong muốn tìm việc làm tại một công ty may tại Thủ đô. Nhưng hồ sơ của cô đã bị loại ngay bởi lý do: quá thấp bé. Đã 18 tuổi nhưng Mai chỉ có chiều cao khiêm tốn, 1m47 và 37kg. Lý do bộ phận tuyển dụng từ chối nhận là sợ sức khoẻ của cô không chịu nổi áp lực công việc.
Không chỉ có Mai, ba anh em còn lại trong nhà cô đều thuộc dạng thấp bé, nhẹ cân. Người anh cả cao 1m59, còn hai em gái cũng chỉ xấp xỉ 1m50.
Nhận xét về câu chuyện này, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, đó là hậu quả để lại của tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em khá phổ biến ở khu vực nông thôn. Đây cũng là vấn đề đáng suy ngẫm bởi Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới (theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới – WHO).
Ông An đánh giá, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2001-2010 có đặt mục tiêu giảm suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam và dự kiến sẽ đạt 19% trong năm nay. Tuy nhiên, đây là chỉ số đánh giá cân nặng trên tuổi. Tới nay, chúng ta có thể tự hào bởi tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm rất rõ rệt, từ hơn 50% tới xuống dưới ngưỡng 20% với mức giảm trung bình khoảng 1,5% mỗi năm trên phạm vi toàn quốc.
Thấp còi… từ trong bụng mẹ
GS-TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam (ảnh bên), nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta là suy dinh dưỡng bào thai. Nhiều phụ nữ mang thai chưa được chăm sóc tốt, hoặc hiểu sai về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ nên dễ dẫn đến tình trạng con cái bị còi cọc sau này.
GS Nhạn cho biết, từ năm 1972, thế giới đã hình thành ngành chu sinh học tập trung chăm sóc thai nhi và bà mẹ mang thai, được coi là cầu nối giữa sản khoa và nhi khoa. Chương trình chu sinh học thực hiện tại Nhật Bản đã gặt hái những thành công đáng kể, góp phần cải thiện chiều cao của nhiều thế hệ ở quốc gia này. Tuy vậy, tới nay Việt Nam vẫn chưa hình thành ngành này.
Theo quan điểm của chu sinh học, phụ nữ không nên sinh con trước 25 tuổi. Thời kỳ tốt nhất cho việc sinh đẻ ở phụ nữ là từ 25-30 tuổi và chỉ nên sinh hai lần, không nên đẻ sớm, đẻ dày, đẻ nhiều.
Ngoài ra, bà mẹ thời kỳ mang thai cần ăn đủ chất đạm (như thịt, cá, trứng…), bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết như acid folic, sắt, calci… Phát triển của thai nhi về chiều dài đạt cao nhất vào tuần thứ 15 của thai kỳ, trong khi cân nặng đạt mức cao nhất từ tuần 32 đến tuần 35. Do vậy, tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước và trong khi mang thai có ý nghĩa quyết định tới chiều cao của đứa trẻ sau này.
GS Nhạn cũng khuyến cáo, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua không giảm đáng kể. Năm 1999, tỷ lệ này ở trẻ em là 33%. Còn số liệu mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2009 cho thấy, con số này chỉ giảm gần 1%.
Với phụ nữ, tới tuổi 25, quá trình phát triển của hệ xương và cơ thể mới đạt tới sự hoàn chỉnh. Nếu cơ thể người mẹ chưa trưởng thành, con sinh ra cũng dễ bị còi cọc. Ở miền bắc, phụ nữ hay sinh con sớm, trong khi ở miền Nam, các chị em thường đẻ dày. Giáo sư Nhạn kể, bà nhớ mãi chuyến đi tới một trạm xá ở miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tại đây, các bà mẹ đều sinh con khá to (3kg trở lên), nhưng khi hỏi chế độ ăn khi có bầu, các chị đều nói chỉ ăn khoai, sắn. Chế độ dinh dưỡng như vậy vẫn có được những em bé bụ bẫm chào đời, nhưng khó bảo đảm việc cải thiện chiều cao sau này.
Bên cạnh đó, không phải phụ nữ nào cũng được tư vấn đúng về cách ăn uống khi mang thai. Chị Nguyễn Thị Ngà (Tân Yên, Bắc Giang), mang thai lần thứ hai, tâm sự: Em có bầu nên ăn khoẻ lắm, mỗi bữa 3-4 bát cơm, xôi cũng có thể ăn cả bát đầy. Cháu bé sinh ra nặng 3,2kg. Tuy vậy, nhận xét về cách ăn uống này, GS Nhạn cho rằng, em bé sinh ra vẫn khoẻ mạnh và phát triển bình thường, nhưng cao lớn thì dường như vẫn phải …hy vọng.
Không chỉ với những phụ nữ nghèo, nhiều người có kinh tế khá giả cũng không biết và không được thông tin rõ ràng về chế độ dinh dưỡng thai kỳ. Chị Huỳnh Phương Lan (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, mang bầu không nên ăn quá nhiều chất đạm như thịt, cá… vì sợ tăng cân nhiều, dễ béo phì, khó sinh.
Đừng coi thường sữa mẹ
Là người có nhiều năm gắn bó với hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, suy dinh dưỡng thể thấp còi là hình thức suy dinh dưỡng mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống. Một thế hệ thấp còi lớn lên sẽ có những ảnh hưởng trước mắt như sức khoẻ yếu, làm việc mau mỏi, năng suất lao động kém. Đáng lo ngại là trẻ bị thấp còi dễ có nguy cơ giảm trí tuệ. Thể lực yếu, hay bệnh tật, hiệu suất lao động thấp, thu nhập giảm…, dường như các em dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của thiếu ăn – nghèo dói.
Hiện nay, tại một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Bắc Cạn, Kon Tum, Đác Lắc, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao mà suy dinh dưỡng thể nhẹ cân cũng không hề thấp. Cá biệt như Lào Cai: 41,9%, Kon Tum: 41,8 %, Đác Nông: 40,1% trẻ thấp còi…
Mặt khác, cũng có những dấu hiệu cho thấy chiều cao trẻ em Việt Nam ở thành thị đã được cải thiện đáng kể. Con số này ở TP Hồ Chí Minh giảm đều rất rõ trong những năm gần đây, hiện chỉ còn ở mức 6%. Tuy nhiên, đô thị lớn nhất nước lại đang đương đầu với vấn đề trẻ béo phì ngày càng tăng. Tình trạng suy dinh dưỡng thể thừa cân cũng nghiêm trọng không kém vì trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh chuyển hoá như tim mạch, tiểu đường, ung thư, cao huyết áp…
Bác sĩ An cũng kiến nghị cần có chiến lược lâu dài phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi. Giải pháp đầu tiên là khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Đã có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và những tháng tiếp theo sẽ cải thiện rõ rệt tình trạng thấp còi, chưa kể những lợi ích khác cho các em đã được công nhận như giảm bệnh tật, căng thẳng, thông minh hơn… Đây là biện pháp rất kinh tế, vừa dễ thực hiện và tốt nhất cho sức khoẻ của trẻ.
Ủng hộ chiến lược nuôi con bằng sữa mẹ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình lên Chính phủ đề nghị tăng thời gian nghỉ sinh của bà mẹ từ 4 lên 6 tháng để bảo đảm quyền lợi cho cả mẹ và trẻ. Người mẹ – trong cả cuộc đời làm việc và nuôi con – chỉ được nghỉ quỹ thời gian ít ỏi 8 tháng. Tăng thời gian nghỉ sinh sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trẻ có nhiều thời gian bú mẹ, hình thành sức đề kháng tốt, giảm bệnh tật, giúp bà mẹ an tâm làm việc, tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội về lâu dài.
Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao nhận thức trong công tác chăm sóc trẻ. Hiện nay, trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm sai lầm: sữa mẹ không đủ chất cho trẻ. Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), công bố số liệu điều tra mới nhất trong năm 2009 cho thấy, tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu ở nước ta mới đạt gần 20%, thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới…
Chỉ 43% phụ nữ mang thai nhận thấy sữa mẹ là nguồn thức ăn chính cho trẻ dưới sáu tháng tuổi và 36,5% bà mẹ có ý định cho con bú tới 2 tuổi. Trong khi đó, tạp chí y học hàng đầu thế giới The Lancet đánh giá, sữa mẹ chính là loại vaccine mới có thể phòng tử vong, chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp mà không cần giữ lạnh… và còn làm được nhiều hơn thế.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng cảnh báo, cha mẹ và người chăm sóc trẻ không nên mắc những sai lầm tưởng chừng đơn giản nhưng ảnh hưởng lâu dài đến trẻ như: sữa mẹ không đủ, ăn dặm quá sớm khi chưa được 6 tháng tuổi, trẻ ăn nhiều sữa bột sẽ bụ bẫm…
Khi phát hiện em bé đã bị thấp còi, ngay lập tức cần hỗ trợ chế độ ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ. Giải pháp sâu xa hơn là hỗ trợ kinh tế cho hộ gia đình nghèo, cải thiệu môi trường sống nên rất cần sự vào cuộc của Nhà nước. Ngoài ra, nên có được một nguồn sữa cung cấp thường xuyên cho trẻ bởi các em rất cần sữa trong quá trình phát triển. Trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh.
Phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi nhằm hướng tới một thế hệ công dân tương lai có trí tuệ và thể chất tốt. Dự thảo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2011-2020 rất chú trọng mục tiêu giảm tỷ lệ này về mức 20%. Nếu cán đích này, Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách những quốc gia có tỷ lệ trẻ thấp còi cao nhất trên thế giới.