Con ăn, uống, ngủ,…thậm chí là… ngồi bô đều theo giờ quy định. Chị Thanh bảo: “Nuôi con khoa học thì nó mới khỏe mạnh và khôn lớn được!”.
Ốm yếu, xanh xao vì phải … ăn theo giờ
Bé C. V. V (2 tuổi, quận Bình Tân, TP. HCM) vừa được người nhà đưa đến khám tại Khoa tâm lý, BV Nhi đồng 2, TP.HCM với những triệu chứng hoảng hốt, sợ sệt, khóc ré lên mỗi khi thấy bố mẹ chuẩn bị cho ăn.
Chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ bé V kể lại, nghe theo lời khuyên của một người bạn, chị tìm trên mạng những cách thức chăm sóc trẻ nhỏ (bao gồm chế độ ăn, uống, ngủ…). 2 tháng nay, chị Thanh chăm con theo những chỉ dẫn đó. Con ăn, uống, ngủ,…thậm chí là… ngồi bô đều theo giờ quy định. Chị Thanh bảo: “Nuôi con khoa học thì nó mới khỏe mạnh và khôn lớn được!”.
Cho bé ăn theo giờ liệu có tốt?
Thế nhưng, sau khi áp dụng phương thức đó, khoảng 1 tuần sau, bé V có những biểu hiện khó chịu như khóc ré lên mỗi khi thấy mẹ chuẩn bị cho ăn, uống…
Trái ngược với mong muốn ban đầu, bé V không chỉ không khỏe hơn mà còn sút cân nhanh, người lúc nào cũng ốm yếu, xanh xao hơn so với những trẻ cùng tuổi.
Chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp, Phó trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2 cho hay, Khoa đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ con có những dấu hiệu hoảng sợ, lo lắng, thậm chí là gây bệnh khi bị bố mẹ bắt ép những sinh hoạt thường nhật quá khắt khe.
Vì quá thương và lo cho con, nhiều bậc phụ huynh đang áp dụng máy móc những nguyên tắc chăm sóc con được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, có những nguyên tắc dành cho trẻ em nước ngoài.
Vì thế, các bậc phụ huynh, nhất là người mẹ đã vô tình bỏ qua phần cảm nhận bằng bản năng của những người sinh thành với đứa con. Trong khi đó, bản năng đặc biệt của người mẹ có thể nhận biết được con đã thích ăn, uống, ngủ…hay chưa, từ đó người mẹ sẽ biết điều chỉnh những sinh hoạt của trẻ, phù hợp với nhu cầu của trẻ.
Bị táo bón vì bị ép ngồi bô theo giờ
Cũng như bé T., bé N. T. Đ (quận 3, TP. HCM) được gia đình đưa đến BV Nhi đồng 2 sau khi bị táo bón trong 10 ngày liền. Bà nội bé kể, vì tuân theo những chỉ dẫn trên mạng nên bé Đ thường xuyên bắt ép “ngồi bô” khi chưa muốn đi vệ sinh.
Đừng ép trẻ “ngồi bô” theo giờ
Ông Ngô Xuân Điệp cho hay, với những trẻ bị bắt ép “ngồi bô” như bé Đ, khi kéo dài đã khiến trẻ bị ức chế tâm lý gây nên táo bón.
Hàng xóm của bé Đ, bé V. T. H, 4 tuổi (quận 7, TP. HCM) hiện đang điều trị ngoại trú tại Khoa Tâm lý vì bị căng thẳng thần kinh, do bị bố mẹ bắt ép luyện chữ trong những ô ly nhỏ khi cơ tay chưa vận động thành thục và mắt tập trung cao độ.
Theo ông Ngô Xuân Điệp, nếu trẻ bị bắt ép trong thời gian kéo dài có thể gây nên những rối nhiễu tâm lý với những biểu hiện dễ gây hiểu nhầm sang bệnh khác như thường xuyên ói mửa, nhức đầu, sợ sệt…, lâu dần có thể gây căng thẳng tâm lý kéo dài.
“Chỉ nên tham khảo lịch trình sinh hoạt khoa học trên cơ sở sự cảm nhận bằng bản năng của người mẹ mà thôi”, ông Điệp khuyên.
Trẻ sớm có hành vi bạo lực vì sống xa cha mẹ
Bé P. T. T (huyện Hooc Môn, TP. HCM), bố mẹ đi làm ăn xa nên ở với ông bà ngoại từ nhỏ. Tuy nhiên mới 3 tuổi nhưng bé T đã tỏ ra rất hằn học, cáu gắt, nóng nảy. Khi chơi với bạn bè cùng trang lứa, bé không bằng lòng cái gì là cầm gậy, chổi quật bạn, giật tóc bạn… Nhiều gia đình hàng xóm xung quanh đã không muốn cho con em mình chơi với cháu.
Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ rằng do bé T. nóng tính. Tuy nhiên, khi đưa cháu đến Khoa Tâm lý, các bác sĩ cho biết, đây không phải là biểu hiện bình thường ở trẻ.
Được biết, Khoa Tâm lý cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ quá rụt rè, yếu đuối hoặc rất hung bạo, gay gắt…trong cách cư xử với những người thân trong gia đình hay với bạn bè.
Sau khi tìm hiểu, các đồng nghiệp của ông đều phát hiện thấy đa số trường hợp đó là những trẻ ở với ông bà nhiều hơn với bố mẹ, được cưng mà ít khi phải chịu những hình thức giáo dục nghiêm khắc nên trẻ dễ có những yêu sách, hằn học hoặc tủi thân, khóc lóc. Trạng thái này tiếp diễn trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc hình thành một trong hai thái cực tính cách trên.