Nhân loại đã bước qua thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Trên phạm vi toàn thế giới vẫn còn khoảng 165 triệu trẻ em trước tuổi học đường bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng để lại những hậu quả về phát triển thể chất và tinh thần của lớp người tương lai của các nước, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Ở phạm vi toàn thế giới, nước ta được xếp trong danh sách của 18 quốc gia có mức giảm trên 25% số trẻ suy dinh dưỡng ở năm 2000 so với năm đầu thập kỷ 90. Mức giảm cũng khá nhanh so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, do điểm xuất phát của ta cao hơn so với các nước khác nên số trẻ suy dinh dưỡng hiện còn ở mức cao.
Dinh dưỡng quyết định thể chất và trí tuệ của trẻ
Tình trạng thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ em. Đây là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng sinh học của con người và phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 1985 là 59,7%, năm 1990 là 56,5%, năm 1994 là 46,9%, hiện nay là 31,9% (năm 2009). Riêng trong thập kỷ 90, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm đi được 19,8%. Đầu những năm 90, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã dự đoán vào năm 2000, tỷ lệ thấp còi trẻ em nước ta sẽ là 45%, đến năm 2013 sẽ dưới 35% với điều kiện đạt mức tăng trưởng kinh tế liên tục các năm là 9%. Như vậy, suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm đáng kể và nhanh hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia, dù rằng hiện vẫn còn ở mức cao.
Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã phản ánh những tiến bộ nhanh chóng trong phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong cùng một mức tăng trưởng kinh tế so với một số nước khác thì tốc độ giảm suy dinh dưỡng ở nước ta nhanh hơn do chúng ta đã có các can thiệp về dinh dưỡng và sức khỏe có hiệu quả. Mặt khác, người ta thấy hiện tượng phát triển nhanh hơn thường xảy ra như một quy luật đối với các nước sau thời kỳ chiến tranh hoặc khủng khoảng kinh tế kéo dài và gọi đó là “thời kỳ phát triển bù”. Thời kỳ này dài hay ngắn tuỳ theo từng quốc gia khác nhau nhưng cũng chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, người ta cũng thấy rõ là khi tỷ lệ suy dinh dưỡng càng xuống thấp thì tốc độ giảm sẽ càng chậm lại.
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến suy dinh dưỡng trẻ em cho thấy ta vẫn có thể giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống thấp hơn trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên chắc chắn là tốc độ giảm sẽ chậm hơn so với những năm 90. Suy dinh dưỡng không chỉ chịu tác động của yếu tố kinh tế mà các yếu tố về chăm sóc, nhận thức và trình độ văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng. Trong 3 nội dung chính được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra nhằm giảm suy dinh dưỡng gồm có cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho từng thành viên hộ gia đình; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và môi trường – nhất là môi trường vệ sinh gồm cung cấp nước sạch và các điều kiện sống khác; đặc biệt là nội dung “chăm sóc” gồm các hoạt động như chế biến, bảo quản thức ăn cho gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, vấn đề thức ăn bổ sung, chăm sóc phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú, các thói quen và tập quán vệ sinh, cách thức bảo vệ sức khỏe và cả các vấn đề về chăm sóc tâm lý cho trẻ em… Do đó, để giảm suy dinh dưỡng bền vững, cần có các tác động cải thiện toàn diện, trong đó nhấn mạnh tới chất lượng chăm sóc, nhất là chăm sóc dinh dưỡng tại gia đình.
Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 20% vào năm 2010. Chúng ta đã đạt mục tiêu này. Mục tiêu thách thức hiện nay là giảm suy dinh dưỡng thấp còi để góp phần quyết định nâng cao tầm vóc về chiều cao của người Việt Nam.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, ngành y tế duy trì bền vững việc loại bỏ tình trạng mù lòa do bệnh khô mắt thiếu vitamin A gây ra. Nhờ có những đóng góp cụ thể vào thành tích trên, Viện Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế – cơ quan được Bộ Y tế giao nhiệm vụ thường trực và là đầu mối chuyên môn về dinh dưỡng và thực phẩm của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng ở nước ta – đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tháng 9/ 2010.
Giai đoạn 10 năm tới đang đặt ra những thách thức mới. Bên cạnh nhiệm vụ can thiệp vào những vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh như thừa cân, béo phì, bệnh chuyển hóa có liên quan đến ăn uống thì việc tiếp tục giảm suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng thiên tai… vẫn là mục tiêu ưu tiên. Các giải pháp để giảm suy dinh dưỡng thấp còi – nguyên nhân chính làm hạn chế tầm vóc chiều cao người Việt Nam đã được coi là mục tiêu ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020. Chiến lược mới tiếp tục phương châm dự phòng là chính, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ từ phụ nữ tiền thai đến khi mang thai và nuôi con nhỏ, trẻ em dưới 5 tuổi cần được cung cấp đủ năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng, chú ý đến vi chất dinh dưỡng đủ theo nhu cầu. Công tác xã hội hóa phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục cần được đẩy mạnh. Suy dinh dưỡng ở các vùng nước ta phân bố không đồng đều và các yếu tố nguyên nhân tác động khác nhau thay đổi theo từng địa phương, từng khu vực và thậm chí từng cộng đồng và gia đình. Điều đó đòi hỏi có các giải pháp đặc thù, cụ thể cho từng địa phương. Ở những vùng còn xảy ra mất an ninh lương thực – thực phẩm, cần coi trọng các giải pháp đảm bảo an ninh thực phẩm hộ gia đình, khuyến khích sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chổ bổ sung cho bữa ăn và đẩy mạnh họat động giáo dục dinh dưỡng. Ở những nơi điều kiện chăm sóc còn kém, cần có sự quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện các điều kiện chăm sóc như hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, dịch vụ y tế ở các cơ sở. Công tác giáo dục dinh dưỡng cần đi đôi với hướng dẫn thực hành, xây dựng “văn hóa nuôi dưỡng” của mọi gia đình. Mỗi bà mẹ đều có được kiến thức và chủ động trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, trách nhiệm phối hợp liên ngành nhằm xã hội hóa công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hiện đã được đề cao. Bên cạnh đó, việc tổ chức theo dõi, giám sát để chỉ rõ các mặt mạnh, mặt hạn chế chưa làm được sẽ giúp cho họat động phòng chống suy dinh dưỡng đạt hiệu quả hơn. Họat động giám sát dinh dưỡng một cách khoa học để nắm vững tình hình và chỉ rõ các nguyên nhân đặc thù của suy dinh dưỡng nhằm định hướng cho các hành động cần được tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh.
TS. Lê Danh Tuyên (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng)