Quan niệm phổ biến cho rằng bú bình giúp trẻ no lâu hơn, ít thức giấc đòi ăn hơn và vì thế mẹ cũng được ngủ nhiều hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Pediatrics cho thấy bú bình hay bú mẹ không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người mẹ.
Nghiên cứu 80 phụ nữ trong đó 27 người cho con bú hoàn toàn ít nhất 12 tuần đầu, 18 người cho bú sữa công thức hoàn toàn ít nhất 12 tuần và 35 người vừa cho bú bình vừa bú mẹ.
Mọi đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ ghi nhật ký giấc ngủ và báo cáo chất lượng giấc ngủ và số lần họ thức trong đêm. Họ cũng được hướng dẫn cách đo thời lượng ngủ buổi đêm và ghi nhận cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.
Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt nào về giấc ngủ giữa 3 nhóm trên.
“Tôi chưa rõ tại sao lại không có sự khác biệt nhưng những phụ nữ cho con bú không có cùng mức độ thức giấc như những phụ nữ cho con ăn sữa công thức. Có lẽ là vì người cho con bú mẹ sẽ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn do cho con ăn trong bóng tối”, tác giả nghiên cứu Montgomery.
Như vậy giấc ngủ của người mẹ lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng nhưng trẻ sơ sinh bú mẹ lại ngủ ít hơn. Tại sao lại như vậy?
Các bậc cha mẹ mới sinh con đều biết hoặc nhanh chóng học được rằng giấc ngủ là thứ gì đó mà họ luôn thiếu, ít nhất là trong mấy tháng đầu sau sinh.
Trong những tháng đầu tiên này, hệ tiêu hóa của trẻ dường như chưa đủ trưởng thành để giữ đủ lượng thực phẩm giúp trẻ có cảm giác no vài tiếng sau mỗi lần bú. Tuy nhiên, thực tế là sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và vì thế trẻ bú mẹ sẽ thức giấc nhiều lần để ăn hơn so với những trẻ bú bình.
“Tuy nhiên, sữa mẹ cũng có chứa hooc-môn prolactin, giúp trẻ ngủ dễ hơn”, bà Montgomery – Downs cho biết.
Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, cần xem xét giữa nguy cơ và lợi ích của việc cho con bú với dùng sữa công thức về việc liệu nó có phù hợp với cuộc sống của bạn hay không. Nhưng không bao giờ được nghĩ rằng mình sẽ ngủ ngon hơn nếu cho con dùng sữa công thức.