Trẻ thiếu magie (Mg) nhẹ có thể biếng ăn, ngủ không ngon, đau bụng… Nặng hơn thì có thể gây ra các cơn co giật, hạ đường huyết, các biến chứng dẫn đến hôn mê.
Mg là một chất khoáng giữ vai trò rất quan trọng, Mg tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Đồng thời là ion quan trọng cấu tạo nên tế bào.
Trẻ ngủ không ngon, dễ cáu gắt
Bé M. (6 tuổi, Hà Nội) gần đây tay chân thường hay bị co giật một cách vô thức trong lúc ngủ. Đưa bé đến Viện Dinh dưỡng khám, bố mẹ bé được các các bác sĩ (BS) cho biết nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon vào đêm là do trong khẩu phần ăn của bé thiếu chất Mg.
Theo tiến sĩ Lê Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Mg là chất khoáng tham gia nhiều chức phận trong cơ thể con người, như chuyển hoá canxi, góp phần giữ cho xương, răng khỏe mạnh, chuyển hóa kali, photpho, các vitamin nhóm B.
Hằng ngày, cơ thể cần khá nhiều Mg để biến đổi đường trong máu thành năng lượng, đốt cháy chuyển chất béo thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Mg đóng vai trò quan trọng trong kết cấu và chức năng bình thường của tim, giúp tim ổn định, phòng chống loạn nhịp tim. Trên hệ tiêu hoá, Mg giúp dễ tiêu các thức ăn, tránh táo bón. Ngoài ra Mg cũng tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh, hoạt động của cơ bắp…
Do có vị trí cần thiết như vậy nên thiếu magie sẽ gây ra một loạt các ảnh hưởng nghiêm trọng với cơ thể, đặc biệt đối với trẻ em. Trong cơ thể, canxi tham gia vào quá trình co cơ, còn magie tham gia vào quá trình giãn cơ. Nên nếu thiếu Mg, các cơ của trẻ lúc nào cũng trong tình trạng co, rất mệt mỏi. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ gặp hiện tượng ngủ không ngon giấc, ngủ không say, hay vật vã trong khi ngủ.
Bổ sung Mg bằng rau xanh và ngũ cốc
Theo tiến sĩ Hương, những biểu hiện ban đầu khi trẻ thiếu Mg thường là trẻ biếng ăn, cáu gắt, bị rối loạn giấc ngủ. Đây cũng là những dấu hiệu gợi ý để cha mẹ đưa đi khám xem có phải trẻ thiếu Mg hay không.
Một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng thiếu Mg là chế độ ăn có lượng Mg trong thực phẩm tự nhiên quá thấp, trẻ không chịu ăn dặm hoặc ăn không đủ chất trong thời gian dài. Những nguyên nhân khác là: cơ thể trẻ bị rối loạn hấp thu (như mắc bệnh rối loạn dạ dày – ruột) hoặc cơ thể đổ mồ hôi nhiều cũng có thể gây ra bài tiết Mg quá mức.
Mg có nhiều trong các thức ăn từ thực vật, đặc biệt là các loại rau quả màu xanh đậm, ngũ cốc như đậu lạc, lúa mì, lúa mạch, trong các quả sấy khô. Ngoài ra trong lúa mì, đậu các loại, quả cứng các loại, thịt, hải sản… cũng là nguồn Mg rất tốt. Các sản phẩm từ sữa bò, chocolate cũng có hàm lượng Mg vừa phải.
Theo các bác sĩ, cha mẹ cần hết sức chú ý đến vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Ngay từ thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm (5 – 6 tháng tuổi), cần cho trẻ ăn chế độ ăn đa dạng, đủ bốn nhóm thực phẩm cần thiết (nhóm bột đường, chất đạm, nhóm chất béo, nhóm rau quả). Khi trẻ bị bệnh, nguy cơ hạ Mg có thể xảy ra là rất cao nên cha mẹ cần lưu ý để dinh dưỡng tốt cho trẻ lúc bệnh. Cần tăng cường dinh dưỡng lúc trẻ bệnh để vừa đảm bảo nhu cầu bình thường và tăng sức đề kháng khi bị bệnh.