Khi tham gia giao thông, người đi đường thường giật mình và lo lắng khi chứng kiến nhiều phụ huynh chở trẻ em từ 1 đến 5 tuổi bằng xe máy, hầu hết không bảo đảm an toàn. Thường là phụ huynh đặt con ngồi luôn trên yên xe, hoặc ngồi trên ghế sắt lắp thêm ở phía trước, nếu lớn hơn chút nữa thì ngồi một mình ở phía sau, không đội mũ bảo hiểm và cũng chẳng có đai an toàn. Chỉ một sơ suất nhỏ của người cầm lái, tai nạn đáng tiếc cho trẻ em có thể xảy ra.
Thời gian qua, cùng với sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông, các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân là trẻ em cũng gia tăng đáng kể. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong số các vụ tai nạn giao thông, nạn nhân là trẻ em chiếm khoảng 35%. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nạn nhân trẻ em thường bị tử vong tại chỗ hoặc bị thương tích nặng. Hồi giữa tháng 6 vừa qua, trên đường Kha Vạn Cân (TP Hồ Chí Minh), một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra với một bé gái 2 tuổi, khiến nhiều người đi đường không cầm được nước mắt. Người mẹ đi xe máy tay ga chở con ngồi trên ghế nhựa phía trước, bất chợt, một chiếc xe bồn ô-xy y tế đi cùng chiều phía sau bóp còi xin vượt. Tiếng còi quá lớn khiến người mẹ giật mình phanh xe gấp. Bé gái ngồi chơi vơi phía trước té ngã ra đường, bị chiếc xe bồn vượt lên cán và tử vong tại chỗ. Theo kinh nghiệm của nhiều thợ sửa xe gắn máy, đối với những loại xe tay ga sử dụng phanh đĩa, nếu phanh gấp, người ngồi phía trước thường có nguy cơ bị văng ra rất xa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thương tâm của trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn do ý thức về an toàn giao thông của các bậc phụ huynh dành cho con em mình rất hạn chế. Trên đường, những cảnh tượng mất an toàn giao thông đối với trẻ em diễn ra phổ biến. Nhiều lần chúng tôi hãi hùng chứng kiến cả gia đình vợ chồng, con cái trên chiếc xe máy, ông bố một tay lái xe, một tay ôm cậu con trai đang ngủ, đằng sau người mẹ bồng con nhỏ, cả hai đứa trẻ không có bất kỳ một vật dụng bảo hiểm nào. Có bà mẹ sáng sớm chở con đi học, cậu bé ngồi phía sau, khoác chiếc ba-lô sách vở nặng trĩu, tay bám áo mẹ nhưng lại ngủ gật. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn liều lĩnh ngồi phía sau, để cho đứa con 3 tuổi điều khiển xe máy trên đường đông đúc. Nhiều lần gặp những cảnh tượng như vậy, người đi đường đã nhắc nhở các bậc phụ huynh cẩn thận hơn khi chở con, nhưng ít người chú ý vì cho rằng trẻ đã lớn, có thể tự ngồi được trên xe. Ðúng là trẻ đã ngồi vững, nhưng chỉ trong trường hợp xe chạy an toàn, nhẹ nhàng, không có va quệt, khi có tình huống xấu xảy ra, có va chạm với xe khác, chắc chắn đứa trẻ ngồi chênh vênh sẽ bị văng ra đường. Nhiều bé hiếu động, thấy những vật lạ, đèn mầu bắt mắt thường ngoái đầu lại, cũng dễ dẫn tới tai nạn. Nhiều vụ tai nạn thương tâm được báo chí đăng tải, nhưng chưa thật sự là tiếng chuông cảnh báo các bậc cha mẹ. Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ và lường trước được những rủi ro xảy ra, các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm bảo vệ, không nên ‘đùa giỡn’ với tính mạng con em mình. Trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe máy, vẫn cần đội mũ bảo hiểm và mang đai an toàn để tránh và giảm nhẹ hậu quả trước những tai nạn đáng tiếc. Con cái là tài sản vô giá của cha mẹ, chỉ một lần bất cẩn, tai nạn thương tâm có thể xảy ra, khiến các bậc phụ huynh phải ân hận suốt đời.
Ðể hạn chế đến mức thấp nhất việc con em gặp tai nạn giao thông khi đi xe đạp, xe máy, đi bộ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc phụ huynh. Phải luôn tự giác chấp hành và nhắc nhở con em mình đi xe đạp vừa với tầm vóc; không cho trẻ dưới 12 tuổi đi xe đạp và trẻ dưới 18 tuổi đi xe máy ra đường; không tham gia cổ vũ đua xe trái phép; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; dạy và hướng dẫn trẻ các kỹ năng đi xe đạp, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn trong Luật Giao thông đường bộ. Các bậc cha mẹ và người lớn phải luôn làm gương cho con trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông.