Liên tiếp trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian gần đây đăng tải rất nhiều thông tin về các vụ ẩu đả học đường mà cả nạn nhân và thủ phạm đều là… nữ sinh.
Gần đây nhất, chỉ trong hơn 1 tháng đã có tới 3 clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng trong đó, kinh hoàng nhất phải kể đến vụ một nữ sinh bị bạn học vừa đánh vừa lột áo nữ sinh xảy ra ở Quảng Ninh.
Cô tôi bảo, xem cảnh này thấy rùng mình, nước mắt cứ thế trào ra. Ngay cả trong tưởng tượng của bà, cảnh “tra tấn” dã man thế này chưa bao giờ xuất hiện.
Điều khiến cô cảm thấy đau lòng, nhức nhối còn là vì cả hai cô gái trong clip đều đang ở tuổi học trò hồn nhiên, ngây thơ – lứa tuổi những tưởng chỉ có những tiếng cười…
Đang học lớp 9, dù đã 15 tuổi nhưng Thùy vẫn được cả nhà cưng như “trứng mỏng”. Cô bé chỉ biết ăn, học, không phải động tay vào bất cứ việc gì trong nhà.
Quan điểm của chị Thanh, mẹ Thùy là chỉ cần nó học tốt, việc nhà đã có người giúp việc lo. Vì suy nghĩ này mà có hôm chị giúp việc về quê, chiều đi học về Thùy vẫn thản nhiên ngồi xem hoạt hình, ăn bim bim. Bố mẹ đi làm về muộn, hơn 7 giờ mới cắm cơm và chuẩn bị đồ ăn. Gần 9 giờ nhà Thùy mới ngồi vào bàn bắt đầu ăn tối.
Chứng kiến cảnh này, tôi thắc mắc, sao anh chị không dạy cháu cách cắm nồi cơm điện, khi về chỉ việc nấu đồ ăn, sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian. Mới nghe đến đó, anh Xuân đã xua tay: “Làm những việc có dính đến điện nguy hiểm lắm. Có ăn muộn một tí cũng không sao!”.
Đó là chuyện trong các gia đình ở thành phố, các cô con gái thường rất được cưng chiều. Còn ở nông thôn, những đứa bé gái từ nhỏ đã ngày hai buổi, một buổi học, một buổi giúp việc nhà, việc đồng áng. Hình như, không gia đình nào để ý đến chuyện dạy con gái sự nết na, thùy mị, dịu dàng… Phải sống thế nào, hầu như đều do những đứa trẻ tự… tìm đường mà đi.
Nhiều nước trên thế giới có trường dành riêng cho học sinh nữ. Ở đó, ngoài học văn hóa, học sinh còn được học các môn khác như nấu ăn, hội họa, âm nhạc, thư pháp… vừa giúp nâng cao khả năng cảm nhận nghệ thuật, vừa giúp giảm stress. Đặc biệt, những môn học này hoàn toàn không chấm điểm, chỉ là lời động viên khuyến khích của giáo viên.
Ẩu đả – đó là điều mà không bậc phụ huynh nào mong muốn nó xảy ra với con mình, nhất là rơi vào con gái thì càng không. Khi những “trận chiến” bùng nổ thì dù là cha mẹ của nạn nhân hay thủ phạm, chắc chắn đều chịu chung một nỗi đau.
Tôi cứ băn khoăn và cảm thấy day dứt trước câu hỏi và những giọt nước mắt của cô tôi khi xót xa nhìn đứa con gái bị lột trần trong clip nọ.
Làm sao không lo lắng được, khi con gái cô đang ở độ tuổi đó, đứa con gái “cứng đầu”, “khó bảo”… cũng rất có thể trở thành nhân vật chính trong một clip nào đó khi nó không biết kiềm chế tính nóng giận của bản thân. Khi ra đời, nó cũng nghĩ nó đang là công chúa như… ở nhà!
Đến bao giờ câu hỏi “Con gái con đứa gì mà như thế?” mới thôi xoáy vào lòng người nghe, nhức nhối? Và ở đâu, trong nhà trường hay trong gia đình rồi sẽ để ý đến chuyện phải dạy những học sinh nữ “làm con gái” đúng nghĩa thì phải như thế nào?
Dạy gì, để thay vì giải quyết mâu thuẫn bằng cách “lao vào nhau” và sẵn sàng “đổ máu”, chúng biết nhìn sự việc một cách nhẹ nhàng theo đúng kiểu… con gái, đầy nữ tính và vị tha: Mâu thuẫn ư, đó chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần ngồi với nhau chia sẻ là sẽ tháo gỡ được!