Khi bạn mang bầu lần đầu tiên, có rất nhiều thứ mà bạn và ông xã phải chuẩn bị thật chu đáo để chào đón sự ra đời của bé yêu như: chuẩn bị phòng cho trẻ, tã lót, đồ dùng cho trẻ sơ sinh- những thứ nhỏ nhắn và đáng yêu.
Lần đầu làm cha mẹ, ai cũng rất lúng túng, không biết nên chuẩn bị những gì tốt nhất cho thành viên “nhí” sắp chào đời của gia đình. Ngay cả những người có nhiều kinh nghiệm về trẻ nhỏ cũng phải ngạc nhiên với những gì mà họ học được cho lần đầu tiên ấy.
Ngủ và khóc
Khi mới sinh ra, hoạt động trong ngày của bé rất đơn giản, chỉ có 2 việc: khóc và ngủ. Trẻ sơ sinh thường ngủ gần 18 tiếng một ngày, mỗi lần ngủ thường kéo dài 1-2 tiếng. Chính vì thế mà các ông bố bà mẹ thường thiếu ngủ khi nuôi con nhỏ, vì lo bé thức giấc.
May mắn là trong vòng vài tháng, cha mẹ có thể có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, thậm chí nhiều đứa trẻ khi được 3 tháng tuổi thường ngủ một giấc đến sáng luôn.
Giấc ngủ của bé sơ sinh thường giống như một vòng quay lặp đi lặp lại, không thay đổi. Tuy nhiên, đôi khi bé sẽ vô tình bị đánh thức bởi những yếu tố khác như mọc răng, giật mình, nhiễm trùng tai…Điều này khiến cha mẹ rất lo lắng.
Khóc ở trẻ sơ sinh là biểu hiện mà cha mẹ nhiều khi không hiểu “nguyên nhân tại sao” và phải dỗ bé như thế nào. Khi bé còn quá nhỏ, khóc là cách duy nhất để bé giao tiếp với bố mẹ, vì thế bé khóc với rất nhiều lí do, có thể là đói hay là tã không thoải mái. Có những khi bé khóc chẳng vì lí do gì.
Bố mẹ thường rất xót ruột và lo lắng vì “dỗ” mãi mà bé không nín. Bố mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất đến với bé yêu của mình.
Nhiều ông bố bà mẹ cố gắng lắng nghe, tập học cách để “giải mã” tiếng khóc của bé thông qua biểu hiện trên gương mặt. Đôi khi em bé khóc do mệt mỏi hay căng thẳng sau một giấc ngủ dài, bé sẽ tự vui vẻ lại nhanh chóng mà không cần “dỗ”.
Bày tỏ ý muốn
Khi mới chào đời, trẻ thích được cha mẹ ôm ấp trong lòng, nhưng lớn hơn một chút, trẻ cũng thay đổi “quan điểm” của mình đấy. Bé sẽ không ngần ngại phản ứng ngầm báo cho người lớn biết bé muốn gì, chẳng hạn bé sẽ “ngọ nguậy” liên tục nếu bị “bế ẵm” quá lâu.
Thay vào đó, trẻ thích khám phá môi trường xung quanh, “sờ mó” và đưa vào mồm bất cứ đồ vật gì chúng nhìn thấy. Có một điều chắc chắn mà các bậc cha mẹ nên biết, đó là trẻ biết cách thể hiện mong muốn rất nhanh.
Mọc răng và cảm giác lo lắng phân ly
Đây là 2 mối bận tâm lớn nhất của cha mẹ trong năm đầu đời của bé. Răng có thể mọc rất sớm, khiến bé quấy khóc suốt ngày. Tuy nhiên, khi những chiếc răng đầu tiên đã được hình thành (thường là trong khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 7), những lần mọc răng sau, bé không còn bị đau nhiều nữa và ngoan hơn.
Trong trường hợp, bé bị đau dữ dội, bố mẹ có thể nhờ đến tư vấn của bác sĩ để cung cấp thuốc giảm đau cho bé như acetaminophen hoặc ibuprofen.
Biết đòi người thân và cảm giác bất an khi phải xa mẹ là một hiện tượng rất phổ biến ở trẻ và hiện tượng này thường xuất hiện khi trẻ được 9 tháng tuổi. Ở tuổi này, trẻ bắt đầu hờn dỗi, khóc và cáu giận khi bố mẹ hoặc người chăm sóc ra khỏi phòng. Đây là một biểu hiện hết sức bình thường ở bé nhưng lại mang lại cho các bà mẹ bao nỗi phiền muộn. Có những bà mẹ đã rất đau lòng vì không nỡ xa con để đi làm.
Tất nhiên là những lo lắng này sẽ qua đi theo thời gian, nhưng bố mẹ trước khi ra ngoài nên dỗ dành bé rằng “Bố/ Mẹ chỉ ra ngoài một lát thôi”, hoặc dỗ bé bằng đồ chơi.
Kỷ luật
Trẻ càng lớn, càng phát huy tính độc lập. Việc trẻ nhận thức những thứ thuộc về mình và giữ “khư khư” không cho người khác đụng vào cũng là một biểu hiện thông thường. Nhiều bé sẽ đánh hoặc xô đẩy bé khác để giành lại đồ chơi. Hành vi này của bé khiến cha mẹ hết sức lo lắng. Làm thế nào để dạy bé cư xử một cách nhẹ nhàng?
Cha mẹ không nên quá lo bởi vì trẻ rất muốn làm hài lòng bố mẹ, do đó chỉ cần bạn “nhắc nhở” bé, bé sẽ vâng lời. Nhiều khi phải mất vài tháng bé mới đi vào nề nếp, bạn phải hết sức kiên nhẫn.