Sớm chịu cảnh mồ côi khi còn khá trẻ, Nguyễn Minh Nguyệt quyết chí nối tiếp sự nghiệp trồng người của cha mẹ. Suốt 9 năm, cô giáo trẻ đã đem ánh sáng tri thức đến với trẻ em nghèo xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Lớp học thêm miễn phí cho trẻ vùng cao được tổ chức tại phòng cô Nguyệt.
Vượt rừng gieo chữ
Bố mất khi Nguyệt học cấp 2. Đang theo học tại trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh thì hay tin mẹ qua đời. Nỗi đau cứ liên tiếp giáng xuống cô như một định mệnh đầy nghiệt ngã. Nguyệt đã phải gắng gượng vươn lên bằng nghị lực và lòng yêu nghề. Ra trường, cô tình nguyện viết đơn xin lên dạy học cho trẻ em dân tộc vùng cao tại xã Hòa Bình.
Hòa Bình là một trong những xã nghèo vùng sâu vùng xa của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống (chiếm 97%), trình độ dân trí còn hạn chế với những phong tục tập quán lạc hậu. Cái ăn chưa ấm bụng thì nói gì đến việc học chữ….
Đói nghèo cứ bủa vây cuộc sống của đồng bào khiến họ chẳng mặn mà gì với việc học tập của con em mình. Nguyệt gặp phải sự phản đối kịch kiệt khi vừa mới chân ướt chân ráo bắt đầu sự nghiệp sư phạm tại mảnh đất này. “Các cô đi dạy học được hơn 1 triệu một tháng thì trả cho con tôi một triệu, tôi cho con đi học liền. Không có thì chúng phải trông em, đi làm kiếm cái mà cho vào bụng chứ” – là lý do trẻ không được đến trường.
Nguyệt không nhớ đã vượt bao kilômét đường rừng, bao nhiêu con suối để vận động học sinh đến lớp. Có những khi phải chầu chực cả ngày ngoài mưa nắng để “đón đầu”, thuyết phục bằng được phụ huynh mới thôi.
Trong suốt 9 năm gắn bó với học sinh xã Hòa Bình, Nguyệt đã tìm cho mình một phương pháp giảng dạy hấp dẫn đối với học sinh dân tộc, tự làm đồ dùng dạy học để minh họa cho học sinh dễ học, dễ nhớ, dễ thuộc. Nguyệt chia sẻ: “Học sinh vùng cao ít nói tưởng như khó gần nhưng chỉ cần tạo được niềm tin, tiếp cận thân thiện chúng sẽ nhanh chóng thể hiện hết khả năng của mình”.
Không chỉ gieo chữ cho học trò nghèo, Nguyệt còn tham gia nhiều công tác xã hội khác. Nhiều người bảo Nguyệt “tham thế, cáng đáng làm sao nổi” nhưng dù ở bất kỳ cương vị nào, Nguyệt cũng là gương sáng điển hình. Nhiều năm liền, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Nguyệt đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và dự thi cấp tỉnh. Mới đây, Nguyễn Minh Nguyệt là một trong số ít những tấm gương tiêu biểu của đời sống xã hội được vinh danh tại lễ trao giải thưởng KOVA lần thứ 8 năm 2010.
Trường lớp xiêu vẹo ngày nào nay đã khang trang, học sinh đến lớp đều đặn hơn rất nhiều.
Lớp học 6 “nhô”
Cả xã Hòa Bình khi đó mới có hơn chục giáo viên đứng các lớp tiểu học. Việc phổ cập mầm non và trung học cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyệt mang bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của mình quyết định mở lớp 6 cho học sinh và dân bản có điều kiện học lên.
Nói đến việc thành lập lớp 6 “nhô” đầu tiên trên địa bàn xã Hòa Bình, đôi mắt Nguyệt rạng rỡ hẳn lên: “Chẳng phải chiến công hiển hách gì đâu nhưng đó là lớp 6 đầu tiên “nhô” lên trong trường Tiểu học Hòa Bình với hơn 20 học sinh đủ độ tuổi lớn bé, già trẻ theo học” .
Đa số các em là người dân tộc nên việc tiếp xúc ban đầu rất khó khăn. Nói chuyện với phụ huynh phải nhờ đến học sinh làm “thông dịch viên”. Dần dà, Nguyệt cũng học tiếng Dao và trở thành người “sõi” tiếng bản địa khi nào không hay.
Nguyệt nhớ nhất lần đi làm công tác dân vận “giải cứu” cho một học sinh thoát khỏi việc “ép cưới” khi cô bé mới 16 tuổi. Chị phải đi tới đi lui hơn chục lần, vượt quãng đường rừng gần chục cây số, rồi cùng ăn cùng lao động để thuyết phục gia đình cô bé. May mắn đã thành công, bé gái vẫn tiếp tục đi học chữ cho đến năm 18 tuổi mới xây dựng gia đình.
Khuôn mặt nhỏ nhắn, dáng người mảnh khảnh nhưng ai cũng khâm phục sự kiên trì, bền bỉ bám lớp, bám trường của Nguyệt. Và có lẽ, nếu không có cô, bản người Dao sẽ không được học nhiều chữ đến như vậy!
Cần lắm những kỹ sư tâm hồn gieo chữ cho trẻ vùng cao.
Hỏi chuyện về những kỷ niệm trong ngày 20.11, chị Nguyệt rưng rưng xúc động kể cho tôi nghe về những buổi liên hoan chỉ có tiếng bi bô của con trẻ, tiếng cười đùa vô cùng thân thương. Chị kể: “Ngày 20.11 của những giáo viên vùng cao chẳng có lẵng hoa đồ sộ hay gói quà cao sang đâu. Có khi chỉ là bó rau xanh, hoặc nhành hoa dại ven đường học sinh vụng về đem tặng. Trò thấy cô hay ngắt hoa dại cắm thế là chúng hò nhau đi hái nào hoa xuyến chi, hoa dâm bụt, hoa nghệ vàng… cả một bó to đùng đặt trước thềm nhà. Xúc động lắm!” .
Cuộc sống vùng cao cũng dần khởi sắc, học sinh của chị đã có đồng phục, sách vở đến lớp cũng không còn thiếu thốn… Bản thân chị cũng có thêm điều kiện trau dồi tri thức và học tiếp để nâng cao trình độ. Điều đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà cô giáo vùng cao mơ ước bấy lâu nay.