Những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 35 – 40 ca mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus.
Khi bệnh nhân nhập viện thường có những triệu chứng như sốt, nôn ói dữ dội có thể đến 15 lần/ngày, sau đó bắt đầu tiêu chảy phân toàn nước liên tục từ 10 – 20 lần/ngày.
Bác sỹ Bùi Thu Hương Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: “Các bà mẹ nên thực hiện tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng vaccine Rotavirus. Khi chăm sóc các con nên chú ý đến nguồn nước sinh hoạt, cách nấu ăn… chăm sóc đôi bàn tay của bé và của cả gia đình. Xử lý chất thải của em bé và gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường sống của chính gia đình mình”.
Rotavirus tồn tại trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da…
Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus thường lây lan qua đường tiêu hóa, lượng virus thải ra trong phân rất lớn. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh tiêu chảy do Rotavirus thường xảy ra ở trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch và cơ quan tiêu hóa còn non yếu nên rất dễ bị Rotavirus tấn công.
Thời tiết những tháng cuối năm là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ do Rotavirus phát triển. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rotavirus. Cách đối phó hữu hiệu nhất với loại bệnh này là dùng các dung dịch bù nước bằng đường uống, uống nhiều nước dừa, ăn các loại hoa quả và xúp gà.