Hãy nghe trẻ em nói, xem trẻ em hành động,trẻ em cần được tham gia, thể hiện, làm chủ tất cả các hoạt động liên quan đến đời sống của mình trên cơ sở tôn trọng quyền và bổn phận của các em… Đây là những thông điệp từ diễn đàn “Nâng cao nhận thức về quyền tham gia của trẻ em” diễn ra tại Hà Nội hôm nay.
Tại diễn đàn, 100 em nhỏ đến từ 10 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có cơ hội nêu ý kiến, quan điểm về quyền tham gia của trẻ em tại địa phương, đồng thời bày tỏ mối quan tâm những khó khăn, thách thức và hạn chế mà các em đang phải đối mặt.
Hiện nay, trẻ em đã có thể tham gia vào lĩnh vực truyền thông dành cho lứa tuổi mình. Các em đã tham dự một số diễn đàn quyền trẻ em các cấp, nhiều em còn đại diện cho thiếu nhi Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế.
Tuy nhiên, các bạn nhỏ cũng đề cập đến một số khó khăn như nhận thức của người lớn chưa thay đổi nhiều về quyền tham gia của trẻ em. Người lớn trong cả gia đình và ngoài xã hội còn chưa tôn trọng tiếng nói của trẻ em, chưa tạo cơ hội cho trẻ em tham gia. Mức tham gia của trẻ em nông thôn và vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số có nhiều khác biệt. Trẻ em nông thôn, miền núi, đặc biệt các khu vực kém phát triển còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin liên quan đến bản thân. Chênh lệnh về mức sống của các hộ gia đình tại các vùng cũng là lý do khiến quyền tham gia của trẻ em không giống nhau.
Qua thảo luận dân chủ, tích cực, các em đã nêu ra những đề xuất gắn liền với đời sống để quyền tham gia của trẻ em đi vào thực tế như trẻ em có quyền tham gia đóng góp vào các vấn đề liên quan tới mình như chính sách, luật… bằng việc thu thập ý kiến hoặc góp ý trực tiếp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chương trình giáo dục cần có những thay đổi tích cực nhằm giảm tải, tăng thời gian cho các em tham gia vào các hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Nhà nước cần quan tâm chăm sóc đặc biệt tới đối tượng trẻ em đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ em ở khu vực miền núi… Những diễn đàn dành cho trẻ em cần diễn ra thường xuyên, rộng khắp hơn ở cấp địa phương, tạo cơ hội cho nhiều em tham gia, ý kiến các em sẽ được người lớn lắng nghe và phản hồi công khai.
Trong phiên đối thoại, các em đã đặt nhiều câu hỏi với đại diện cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, về những vấn đề lứa tuổi mình quan tâm như bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng nâng cao tính tự tin trong học tập và đời sống, trợ giúp thiếu nhi dân tộc thiểu số tham gia hoạt động xã hội, phát huy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và xã hội, mô hình Nghị sĩ trẻ em…
Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, diễn đàn thể hiện nhận thức và trí tuệ của trẻ em về quyền tham gia của mình khá tốt. Kiến nghị của các em rất đáng quan tâm, thu hút sự chú ý của các cơ quan liên quan. Việc tổ chức diễn đàn sẽ truyền tải thông tin , thông điệp của các em tới xã hội, các nhà hoạch định chính sách.
Ông Đặng Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nhận định, tại diễn đàn lần này, các em có cơ hội cất lên tiếng nói của chính mình. Thực hiện tốt quyền tham gia sẽ phát huy được năng khiếu, khả năng phát triển toàn diện của các em. Ngoài ra, định hướng này cũng tạo nên sự hiểu biết thân thiện giữa người lớn và trẻ em, góp phần hình thành một cộng đồng nhân văn.