Các em nhỏ đã đưa ra bản khuyến nghị và 10 thông điệp để quyền tham gia của trẻ em thực sự đi vào thực tế, đồng thời đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020.
Ngày 21/11, tại Hà Nội, các em nhỏ đến từ 10 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có phiên đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành làm việc trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em. Đây là hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn “Nâng cao nhận thức và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam tổ chức từ ngày 20-21/11.
Sau quá trình trao đổi, thảo luận, các em nhỏ tham gia diễn đàn đã đưa ra bản khuyến nghị và 10 thông điệp để quyền tham gia của trẻ em thực sự đi vào thực tế, đồng thời, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020… Bên cạnh những góp ý nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, các em đưa ra một số đề xuất như: Chương trình giáo dục cần có những thay đổi tích cực, giảm khối lượng để trẻ em có thời gian tham gia vào các hoạt động bổ trợ khác. Cơ sở vật chất dành cho giáo dục, chăm sóc y tế, vui chơi của trẻ em cần được đầu tư và xây dựng mới. Các ấn phẩm dành cho trẻ em sẽ được xuất bản nhiều hơn, chất lượng và giá cả phù hợp để các em có thể dễ dàng tiếp cận…
Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những kiến nghị của các em trong diễn đàn đã thể hiện được trí tuệ và quan điểm của trẻ em trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ. Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội sẽ xem xét để lồng ghép những đề xuất của các em trong quá trình hoạch định chính sách cũng như thực hiện các kế hoạch hành động liên quan đến trẻ em trong thực tiễn.
Quyền tham gia của trẻ em là quyền khó thực hiện nhất trong tất cả các nhóm quyền của trẻ em. Khi cả người lớn và trẻ em thực hành tốt quyền tham gia của trẻ sẽ phát huy được những năng khiếu, sở trường vốn có của mỗi em; giúp các em tự tin, hòa đồng và làm việc nhóm tốt hơn. Đồng thời, mọi người có cơ hội hiểu nhau hơn, thân thiện hơn, giảm bạo lực; từ đó, tạo ra sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, nhà trường và cộng đồng./.