Một trong những mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia (CTHĐQG) vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) dự thảo là bảo vệ trẻ em tránh khỏi các hình thức ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, sao nhãng và giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB). Đảm bảo mọi trẻ em có HCĐB hoặc bị tổn hại được trợ giúp, tái hoà nhập công đồng và có cơ hội phát triển bình đẳng.
Trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ LĐTBXH cho biết: Trong 10 năm (2001 – 2010), công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) đã có sự chuyển biến tích cực.
Tỷ lệ trẻ em có HCĐB được chăm sóc từ 40% năm 2001 tăng lên 75% năm 2010. Tốc độ gia tăng trẻ em có HCĐB từ 4,6% giai đoạn 2001-2005 giảm xuống 0,6% giai đoạn 2006-2010.
Trong vòng 10 năm qua, đã có trên 42.000 trẻ em đang lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và trên 60.000 lượt trẻ em lang thang, trẻ em có nguy cơ lang thang và gia đình được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau như hỗ trợ hồi gia, trở lại trường học, tiếp cận với các dịch vụ y tế, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình.
Trên 10.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực được phát hiện và trợ giúp kịp thời, hầu hết số trẻ em này sau một thời gian ngắn đã được phục hồi và hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Gần 9.000 trẻ em nghiện ma túy đều nhận được sự trợ giúp thông qua các hình thức cai nghiện tập trung hoặc cai nghiện tại cộng đồng.
Nâng cao vai trò bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng
Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cũng cho rằng công tác BVCSTE vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể là tỷ lệ trẻ em có HCĐB vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Năm 2001 có khoảng 1,4 triệu em, chiếm 5,5% tổng số trẻ em thì đến năm 2010 tăng lên 1,54 triệu em, chiếm tỷ lệ trên 6 %.
Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán, sao nhãng trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ em Bình ở Hà Nội, vụ em Hào Anh ở Cà Mau.
Hàng năm có từ 1.000 đến 1.400 em bị xâm hại tình dục, 2.000 đến 3.900 em bị bạo lực, 12.000 đến 18.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có khoảng 15% phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, vai trò bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng; kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính của bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế; trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
Chính vì vậy, khi xây dựng CTHĐQG vì trẻ em giai đoạn 2011-2020, Bộ LĐTBXH đề xuất xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc các nhóm trẻ em có HCĐB ở các vùng miền, nhất là ở khu vực còn nhiều khó khăn và tạo phong trào toàn dân tham gia BVCSTE nói chung và trẻ em có HCĐB nói riêng.
Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trợ cấp, trợ giúp cho trẻ em có HCĐB, trẻ em sống trong các gia đình thu nhập thấp theo hướng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em.
Bộ LĐTBXH dự tính sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có HCĐB trên tổng số trẻ em từ 6% hiện nay xuống còn 5,5% vào năm 2015 và 5% vào năm 2020. Phấn đấu 80% trẻ em có HCĐB được chăm sóc vào năm 2015 và tăng lên 85% vào năm 2020.
Bộ cũng phấn đấu giảm tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên 10.000 người chưa thành niên từ 8 người xuống còn 7 vào năm 2015 và 6 vào năm 2020.