Thấy con sốt và ho nhiều về chiều, chị Hoa (Hưng Yên) nghĩ cậu con trai 3 tuổi bị ốm thường. Chỉ đến hơn một tháng sau, bé bị xuất huyết nhiều nơi, chị mới biết con bị ung thư máu.
Chị Hoa rớt nước mắt kể, lúc đầu thấy con chỉ ho và sốt, chị nghĩ chắc chỉ là bệnh thông thường ở trẻ, nên không đi khám mà tự mua thuốc cho con uống. Nhưng thuốc uống một tuần liền mà con vẫn sốt dai dẳng.
Đưa con lên bệnh viện tỉnh khám thì bác sĩ bảo viêm phổi và cho thuốc về nhà uống. Điều trị suốt một tháng trời, chị thấy bệnh của con không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, xuất huyết nhiều nơi, sưng các khớp. Chị liền đưa con lên khám ở Bệnh viện Nhi trung ương thì phát hiện bé bị ung thư máu.
Giờ hằng ngày chị chỉ còn biết ngồi bên con, gia đình thì chạy ngược xuôi lo tiền truyền máu, truyền tiểu cầu. Ai mách cách nào để chữa bệnh cho con, chị cũng thử dù không biết tác dụng ra sao.
“Nhìn con cứ ngày một gầy yếu, xanh xao, tóc thì rụng hết lòng tôi như quặn lại, thương con mà không biết làm sao. Khổ, nó mới có 3 tuổi, đã biết gì đâu, giờ thì suốt ngày ra, rồi lại vào viện” chị Hoa ngậm ngùi nói.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, những trường hợp nhầm bệnh ung thư máu với các bệnh khác như con chị Hoa không phải là hiếm gặp. Bệnh viện mới đây cấp cứu một trẻ 5 tuổi, ở Vĩnh Phúc, bị ung thư máu trong tình trạng xuất huyết ồ ạt, co giật và có biểu hiện hôn mê.
Theo lời kể của gia đình thì bé biếng ăn, sụt cân nhanh, hay bị sốt và thở dốc mỗi khi chơi đùa hoặc cười lớn. Đi khám tại bệnh viện huyện thì bác sĩ bảo cháu bị thiếu máu dinh dưỡng. Tuy nhiên, một tháng sau bé có biểu hiện chảy máu lợi, đau sưng khớp, gan, lách to phải cấp cứu.
Ước tính mỗi năm riêng Bệnh viện đã có hơn 300 trường hợp mắc ung thư mới đến điều trị, trong đó ung thư máu chiếm tỷ lệ cao nhất 40%. Điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn do nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Bệnh không có dấu hiệu điển hình khi mới mắc, thường chỉ sốt kéo dài, nhiễm khuẩn họng tái đi tái lại. Bệnh nặng hơn thì trẻ có biểu hiện da xanh xao, biếng ăn, người mệt mỏi, khó thở…
“Cũng vì thế, nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng con chỉ bị viêm họng, viêm phổi thông thường. Ngay cả các bác sĩ nếu thiếu kinh nghiệm thì cũng dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như: thiếu máu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm khớp, nhiễm trùng họng, lao…”, tiến sĩ Lan cho biết.
Đến khi bệnh đã có biểu hiện rõ ràng như: gan, lách to, xuất huyết nhiều, viêm nhiễm thường xuyên, bạch cầu tăng cao gây rối loạn đông máu … thì bệnh đã phát triển ở giai đoạn nặng. Tế bào ung thư đã xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Theo thống kê của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương, hầu hết bệnh nhân đến khám khi bệnh đã nặng (thiếu máu, xuất huyết…), thậm chí, có trẻ khi các tế bào ác tính đã di căn sang bộ phận khác của cơ thể mới đến viện.
Cũng vì chẩn đoán bệnh muộn nên tỷ lệ chữa thành công ung thư máu ở Việt Nam không cao. Ngoài ra, chi phí điều trị cao, thời gian điều trị lâu cũng khiến nhiều người bệnh bỏ dở quá trình điều trị. “Trên thực tế, chỉ 8 đến 10% bệnh nhân có điều kiện chấp hành phác đồ điều trị đầy đủ”, tiến sĩ Lan nói.
Tiến sĩ Lan cho biết, để điều trị bệnh cần dùng nhiều loại thuốc, kéo dài liên tục trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên, các thuốc này đều chứa nhiều độc tính, tác dụng phụ. Trẻ bị ung thư máu còn cần được truyền máu, chống nhiễm trùng bội phụ, có trường hợp cần ghép tủy xương.
Ung thư máu hay gặp nhất ở trẻ 2-5 tuổi. Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại như benzene hoặc tia phóng xạ, trẻ bị hội chúng Down, từng trị bệnh bằng hóa trị liệu hay xạ trị do mắc bệnh ung thư khác thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư máu.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ khi thấy con có biểu hiện sốt dai dẳng, điều trị bằng kháng sinh thông thường không khỏi, biếng ăn, sút cân, dễ bị chảy máu, vã mồ hôi (đặc biệt về đêm)… thì cần cho đến cơ sở y tế khám ngay. Đồng thời nên cho trẻ làm xét nghiệm máu để phát hiện ung thư máu sớm, tránh nhầm lẫn sang các bệnh khác.