Mặc dù ung thư mắt là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và hiếm gặp ở trẻ trên 7 tuổi. Nhưng trên thực tế, BV Mắt TP.HCM vẫn gặp khá nhiều trẻ trên 7 tuổi. Vì thế, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu những biểu hiện của bệnh để kịp thời chữa trị cho con.
Những biểu hiện bệnh
Bệnh có thể biểu hiện rất rõ nét và dễ dàng phát hiện tại gia đình và các cơ sở y tế, ví dụ đốm sáng ở con ngươi, hay con ngươi trắng; nhưng đấy là dấu hiệu muộn.
Đôi lúc bệnh biểu hiện rất kín đáo như lé nhẹ và chỉ được phát hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt kinh nghiệm cùng với sự trợ giúp của các phương tiện như siêu âm, chụp cắt lớp (CT scan).
Đồng tử trắng: người nhà phát hiện thấy mắt bé sáng trắng nhất là vào ban đêm như mắt mèo. Lé cũng là dấu hiệu thường gặp. Người nhà cần đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có lé.
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và phát hiện bệnh sớm từ những dấu hiệu kín đáo này.
Ngoài ra, bệnh còn có những biểu hiện như:
- Mắt đỏ, đau nhức do tăng nhãn áp thứ phát hay do phản ứng viêm
- Giảm thị lực
- Sưng tấy hốc mắt do bướu hoại tử
- Lồi mắt
- Chảy máu trong không do nguyên nhân chấn thương
- Một số trường hợp không có biểu hiện bất thường chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khoẻ định kỳ tại các trường học.
Ung thư mắt: Ung thư có thể chữa lành
Hiện nay, bướu nguyên bào võng mạc là loại ung thư có thể chữa lành nếu được phát hiện sớm.
Sự phát triển của khoa học không chỉ dừng lại ở mức cứu sống bệnh nhân mà đã giữ lại cho trẻ con mắt còn chức năng. Hay nói cách khác, trẻ mắc bệnh bướu nguyên bào võng mạc có tỷ lệ sống sót cao và vẫn thấy đường sinh hoạt bình thường, không phải bỏ mắt.
Ở Việt Nam, điều trị chủ yếu là cắt bỏ nhãn cầu có bướu và truyền hoá chất ngăn ngừa di căn để cứu mạng sống cho trẻ.
Một số trẻ sống sau khi đã cắt bỏ cả hai nhãn cầu. Tỷ lệ trẻ sống sót sau cắt bỏ mắt khá cao (đánh giá trẻ sống trên 5 năm sau bỏ mắt mà không có tái phát bệnh hay di căn. Hơn thế nữa, các bác sĩ Việt Nam đang tiến những bước tiến đầu tiên trong việc áp dụng phương pháp bảo tồn mắt (không cắt bỏ mắt).
Các phương pháp này bao gồm: truyền hoá chất chống ung thư vào máu hay còn gọi là “vô hoá chất”, kết hợp với tiêm hoá chất vào ngay mắt và chiếu laser tại khối bướu.
Từ máy Laser của tổ chức ORBIS cho dự án điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, các bác sĩ chuyên khoa Nhi BV Mắt TP.HCM đã áp dụng thiết bị này trong điều trị tại chỗ ung thư nguyên bào võng mạc. Qua đó phối hợp điều trị để bảo tồn nhãn cầu cũng như bảo tồn thị lực còn lại cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, nhiều người quan niệm ung thư là hết đường cứu chữa. Ung thư là chỉ chờ chết, đụng dao kéo vào là chết nhanh hơn.
Nhiều người khác lại tin vào phương thức gia truyền như thuốc nam, thuốc bắc. Một gia đình đau xót trước cảnh con bị múc mắt hay do tập tục của một số dân tộc thà để con chết nhưng mắt còn nguyên vẹn.
Do đó khiến người nhà đưa trẻ đến khám trễ hay tự ý bỏ điều trị khi có yêu cầu bỏ mắt của các nhân viên y tế.
Chính vì vậy, bướu lớn nhanh do những loại thuốc đắp, ăn lan vào các tổ chức xung quanh (di căn) thậm chí di căn vào não khiến trẻ chết rất nhanh.
Một số trường hợp bướu lớn ăn lan ra ngoài gây mùi hôi khó chịu cho cả người thân. Lúc này gia đình mới đưa trẻ đến bác sĩ thì đã quá muộn.
Xử trí lúc này rất nặng nề và trẻ thường khó qua khỏi. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nạo vét tổ chức hốc mắt. Sau đó, hốc mắt được nạo vét sát xương sọ trông rất sợ đến nỗi bản thân người mẹ có khi không dám nhìn khi thay băng.
Do đó, các bậc cha mẹ hãy chú ý quan sát mắt trẻ ngay sau khi chào đời và phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm dù chỉ là chảy nước mắt, lé, đỏ, đau.
Ngoài ra nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, và không tự ý bỏ điều trị dù bất cứ lý do nào.