Tỷ lệ trẻ được điều trị khỏi bệnh bướu não ở Việt Nam rất thấp. 1/3 số trường hợp sau khi điều trị bị tái phát do trẻ nhập viện trễ. Mổ bướu não là phương pháp điều trị quan trọng nhưng đến nay vẫn chỉ có một số ít bệnh viện lớn thực hiện được.
Bệnh bướu não thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đứng thứ hai trong số 10 bệnh ung thư thường gặp ở trẻ em sau bệnh bạch cầu cấp, nhưng lại có tỷ lệ gây tử vong cao nhất. Tuy là bệnh khá phổ biến nhưng nguyên nhân gây bệnh lại chưa được xác định rõ ràng (y học chỉ ghi nhận mối liên quan với một số bệnh di truyền gia đình như bệnh đa bướu sợi thần kinh).
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bướu não như:
- Trẻ nhức đầu tăng dần kèm theo nôn vào buổi sáng
- Rối loạn nhân cách (thay đổi tính tình đột ngột, suy giảm trí nhớ)
- Có những cơn co giật… Khi phát hiện cần đưa trẻ đi chụp cắt lớp đầu để xác định bệnh.
Theo bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng khoa Ung bướu nhi, bệnh viện Ung bướu TP HCM, phát hiện và điều trị trễ khiến trẻ nếu không tử vong thì cũng phải đối mặt với nguy cơ tái phát hoặc chịu những di chứng như chậm phát triển về thể chất và tinh thần, bị động kinh, bất thường về nội tiết…
Điều trị bướu não chủ yếu là mổ và xạ trị. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 3 tuổi không nên áp dụng xạ trị vì sẽ làm chết mô não xung quanh khối bướu, không thể phục hồi. Chiếu xạ còn làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển hộp sọ, gây biến dạng hộp sọ. Trong những trường hợp không còn cách nào khác để cứu sống trẻ thì mới dùng đến xạ trị nhưng trẻ phải chịu những tai biến rất lớn sau này.
Theo bác sĩ Trần Chánh Khương, hiện nay trang thiết bị y tế để điều trị bệnh bướu não còn rất thiếu, nhất là máy xạ trị xuyên sâu, ít làm hại mô não chung quanh cùng với hệ thống định vị tốt. Ở tuyến tỉnh hầu như chưa có bệnh viện nào đảm đương được loại phẫu thuật này.