Tại Hội thảo khu vực Mê Kông về phòng chống tiêu chảy do Tổ chức PATT tổ chức, nhiều kết quả nghiên cứu về bệnh tiêu chảy khiến nhiều người không khỏi giật mình. Tiêu chảy do tả và Rotavirus đang là những tác nhân hàng đầu gây nên tiêu chảy ở các quốc gia khu vực này. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng với trẻ dưới 5 tuổi, mỗi năm chi phí nhiều triệu USD để chăm sóc trẻ nhiễm Rotavirus. Mùa đông xuân cũng là thời điểm Rotavirus dễ bùng phát và lây lan nhiều nhất.
Tả và Rotavirus đang là những tác nhân hàng đầu gây tiêu chảy
TS. Anthony Nelson, chuyên gia nhi khoa của Trường Đại học Hồng Kông – Trung Quốc cho biết, Rotavirus (RV) là một nguyên nhân gây tiêu chảy hàng đầu ở mọi quốc gia, kể cả nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, đi liền với điều kiện chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tử vong chủ yếu lại chỉ ở những nước nghèo như khu vực Mê Kông. Tại Việt Nam, trên 50% số bệnh nhân nhập viện liên quan đến tiêu chảy. Đối tượng dễ bị nhiễm RV chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là từ 3 – 24 tháng.
Theo TS. Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tử vong do RV là vấn đề cần lưu ý toàn cầu, nhất là ở châu Phi và châu Á. Do đặc điểm khu dân cư lớn, mật độ dân số dày đặc ở những nơi có nền kinh tế thấp, châu Á là nơi xảy ra nhiều ca tử vong do RV nhất. Trong số 10 nước có tỷ lệ tử vong do RV cao nhất thì có tới 6 nước thuộc châu Á và trên 55% trường hợp tử vong do RV xảy ra ở đây.
Các chuyên gia cũng cho hay, nếu như Rotavirus có thể gặp ở tất cả các quốc gia thì bệnh tả do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra lại chỉ xảy ra ở những nơi có điều kiện đời sống thấp, người dân ít được sử dụng nguồn nước sạch, chất thải vệ sinh không được xử lý tốt. Mắc tiêu chảy và tả ở trẻ em Việt Nam là vấn đề mang tính khẩn cấp.
TS. Yi Seng Doeurn – Văn phòng Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm (CDC) Campuchia cho biết, trong số 10 ca nhiễm tả xác định tại An Giang, Việt Nam (đầu năm 2010) thì có tới 8 trường hợp có nguồn gốc từ Campuchia (Takeo và Kandal) và hai trường hợp sinh sống tại một xã biên giới của Việt Nam nhưng hằng ngày qua biên giới để làm việc tại Campuchia. TS. Yi Seng Doeurn cũng nhấn mạnh, bệnh tả hiện vẫn là một trong những bệnh tiêu chảy có nguy cơ thành dịch ở các nước khu vực Mê Kông.
3 bài toán khó
Ông Thowai Sha Zai, Quản lý Chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em – UNICEF Việt Nam khẳng định, khoảng 1/10 gánh nặng bệnh tật trên thế giới có thể được phòng ngừa bằng 3 cách cải thiện nguồn nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Theo giám sát của UNICEF tại Việt Nam, hiện 58% người dân thiếu tiếp cận nguồn nước sạch, 40% người (> 17 triệu trẻ em) thiếu tiếp cận nhà vệ sinh tiêu chuẩn, 88% không rửa tay với xà phòng trước khi ăn và 84% không rửa tay sau khi đại tiện. Phân người không được xử lý đúng cách góp phần làm ô nhiễm nguồn nước, đất và môi trường.
Bệnh tiêu chảy liên quan đến sự sống còn của trẻ em, trẻ bị nhiễm bệnh thường ở những nơi không có nguồn nước sạch và tình trạng vệ sinh kém.
Theo các chuyên gia, tiêu chảy là loại bệnh phổ biến thứ 2 gây tử vong ở trẻ; là nguyên nhân gây tử vong 18% ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, một biện pháp phòng bệnh rất hữu ích chính là rửa tay với xà phòng. Biện pháp được coi là “vaccin tự thân” này có thể làm giảm 47% các bệnh liên quan đến tiêu chảy và giảm 34% các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp. PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường – Bộ Y tế cho biết, cùng với những điều kiện thuận lợi khác, Việt Nam sẽ tăng tỷ lệ rửa tay với xà phòng lên 5% mỗi năm.
Hiệu quả miễn dịch của vaccin phòng Rotavirus là 85%
Năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo toàn cầu cần đưa việc uống vaccin RV cho trẻ nhỏ vào tất cả các chương tình tiêm chủng của quốc gia. Việc giới thiệu vaccin này đặc biệt được khuyến cáo tại các quốc gia có tỷ lệ tử vong vì tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi trên 10%. Theo nghiên cứu tại Mỹ, hiệu quả miễn dịch của vaccin RV xấp xỉ 85%.
Tại Việt Nam, RV lưu hành quanh năm, trẻ dưới 2 tuổi mắc nhiều nhất. Tỷ lệ trẻ mắc tiêu chảy cấp phải nhập viện do RV trung bình trên cả nước là 57,39%. Số trường hợp tử vong ước tính 5.300 – 6.800 trẻ/năm. Nếu sử dụng vaccin RV có thể làm giảm 1/3 số ca tiêu chảy phải nhập viện. BS. Kohei Toda – chuyên gia TCMR của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng đưa vaccin RV vào Chương trình TCMR cho trẻ em Việt Nam là việc làm cần thiết.
Vaccin tả chỉ đáp ứng được trong thời gian ngắn
Theo BS. Kohei Toda, dịch tễ học bệnh tả đã có nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây, đó là dịch bùng phát trên quy mô rộng hơn và xảy ra thường xuyên hơn; Các chủng mới với độc tính cao hơn của V.cholerae O1 El Tor đang thay thế El Tor gốc ở một số quốc gia châu Phi và châu Á; Tình trạng khẩn cấp của các chủng V.cholerae strains kháng thuốc gây ra mối lo ngại toàn cầu. Kiểm soát bệnh tả phải là vấn đề ưu tiên trong các vùng có dịch.
Tuy nhiên, cần cân nhắc sử dụng vaccin tả dạng uống ở những vùng có dịch và những vùng hoặc quần thể có nguy cơ có dịch. Vaccin tả nên được dùng kết hợp với các can thiệp khác. Vaccin chỉ mang lại đáp ứng trong thời gian ngắn trong khi các can thiệp khác như cải thiện nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh có tác dụng lâu dài hơn. Nếu sử dụng vaccin cho cả cộng đồng vùng có dịch cũng không thể đảm bảo miễn dịch cho cả cộng đồng.