Nước ta là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á ký hiệp ước tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (20-11-1989), bảo vệ và tạo những điều kiện thuận lợi để giúp trẻ em có môi trường phát triển tốt đẹp, toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, những năm qua, trung bình mỗi năm trên cả nước vẫn còn xảy ra hàng nghìn vụ xâm hại trẻ em; nhiều vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tình hình trật tự, an toàn xã hội. Ðáng lưu ý, những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em lại ở các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, đông dân cư. Trẻ em bị xâm hại chủ yếu là nữ, độ tuổi từ 13 đến 16. Các em ở lứa tuổi này có sự phát triển mạnh về tâm lý, sinh lý, giới tính, nếu gia đình không có sự quan tâm chu đáo và khoa học thì các em dễ bị kích động bởi truyện, băng hình đồi trụy, bạo lực (chủ yếu từ in-tơ-nét và lối sống của những người trong gia đình) và kết quả là các em bị chi phối bởi những nhu cầu thiếu lành mạnh, không phù hợp lứa tuổi. Nuôi con đã là khó, nhưng dạy con thì còn khó hơn. Ở lứa tuổi này, các em dần dần có tư duy độc lập, có khuynh hướng tách ra khỏi sự chi phối, trông coi của gia đình, đây là vấn đề có tính quy luật. Gia đình không nên lơi lỏng sự quản lý đối với các em, mà đòi hỏi sự quan tâm chu đáo và khoa học hơn của các bậc phụ huynh, cô giáo, thầy giáo… giúp các em nhận thức ‘phải’, ‘trái’, hình thành quan điểm sống và rèn luyện kỹ năng sống lành mạnh. Tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện không chỉ cho thấy sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội, nhất là sự tồn tại hoạt động mại dâm, mua bán trẻ em, mà còn cho thấy ở cả hai thái cực quá giàu và quá nghèo cũng dễ dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Một số gia đình còn khó khăn, cho nên nhiều trẻ em bị bỏ mặc, xao nhãng dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm. Ngược lại, ở một số gia đình khá giả, nhiều ông bố, bà mẹ quá nuông chiều trẻ em cũng khiến các em sống buông thả, sa ngã.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải tăng cường ‘chiến dịch’ thông tin, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong toàn xã hội về nhân cách, lối sống, trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Quan tâm và chú trọng việc thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình và trẻ em gặp nhiều khó khăn, đưa số trẻ em vì khó khăn về điều kiện kinh tế mà phải bỏ học hoặc bỏ nhà đi lang thang trở về với gia đình. Quản lý, giám sát chặt chẽ, tiến tới loại bỏ việc sử dụng trái phép lao động trẻ em. Xử phạt (hình sự hoặc hành chính) nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại trẻ em. Coi trọng việc xây dựng phong trào quần chúng kịp thời phát hiện, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các vi phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em.