Trong những ngày đầu tháng 4, tại các BV chuyên khoa nhi ở TPHCM như Nhi Đồng 1, 2 và các BV tuyến quận, huyện, tình trạng trẻ em nhập viện vì các bệnh tiêu hoá, viêm hô hấp, tay – chân – miệng tăng mạnh trở lại.
Đáng chú ý nhất là bệnh tay – chân – miệng, chỉ tính riêng tại BV Nhi Đồng 1, số lượng trẻ đến khám tăng mạnh, trên 60% so với tháng trước.
Tại BV Nhi Đồng 2, BS Trịnh Hữu Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – cho biết, trong tháng 3, tổng số lượt bệnh nhân đến khám tại BV lên đến 30.000 lượt. Trong đó, rối loạn tiêu hoá có số trẻ mắc bệnh rất cao là 5.000. Riêng số bệnh nhân nội trú về viêm hô hấp dưới chiếm gần 1.000 trường hợp và tay – chân – miệng trên 1.400.
Trong ngày 2.4 (ngày cuối tuần), số bệnh nhân hô hấp gần 100 trường hợp thì trong ngày 5.4 (ngày đầu tuần), số lượng bệnh nhi hô hấp đã tăng lên trên 150 trường hợp. Theo BS Tùng, 70-80% trẻ nhiễm bệnh đều nằm ở độ tuổi dưới 6.
Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 1, theo TS-BS Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc BV – thì, thống kê tình hình bệnh tật trẻ em trong tháng 3 năm 2009 cho thấy, bệnh thuỷ đậu và sốt phát ban tăng nhẹ khoảng 20% so với tháng trước. Bệnh tay – chân – miệng đã bước vào chu kỳ tăng trở lại với số lượt khám tăng 60%. Các BS cho biết, bệnh tay – chân – miệng hằng năm thường tăng mạnh vào hai đợt: Tháng 3-4 và tháng 10, 11.
Theo BS Hùng, phụ huynh cần cảnh giác nếu thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay – chân – miệng như loét miệng (bỏ ăn, chảy nước miếng nhiều), có những chấm đỏ hoặc những sẩn mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ hoặc đầu gối thì mang đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám ngay để có định bệnh chính xác và hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi cho các cháu. Đa số các trường hợp bệnh tay – chân – miệng đều khỏi sau một tuần. Một số ít trường hợp có biến chứng nặng như viêm não và viêm cơ tim, việc điều trị rất khó khăn.
BS Hùng khuyến cáo, trong tháng tư, ngoài bệnh tay – chân – miệng thì phụ huynh cần lưu ý đến sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết tuy đang ở mức thấp nhưng hiện nay, BV thường xuyên gặp những trường hợp nặng do gia đình chủ quan tưởng là sốt thông thường, không đưa trẻ đến khám.
Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn lỏng dễ tiêu. Đối với các cháu đang sốt cao, chỉ nên cho uống hạ sốt an toàn như paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần, uống cách mỗi 6 giờ. Khi thấy trẻ có ba dấu hiệu sau thì đưa ngay đến các BV: Mệt, chân tay lạnh; đau bụng, nôn ói; chảy máu răng, máu mũi, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen.