Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm VN có hàng nghìn trẻ bị tai nạn, trong đó nhiều trẻ tử vong. Một trong những nơi dễ xảy ra tai nạn là lan can nhà chung cư cao tầng và phần lớn trẻ bị tai nạn đều từ chính sự sao lãng của người lớn.
Vụ nhiều em nhỏ chết vì rơi từ tầng cao các toà nhà trong thời gian gần đây không chỉ lại làm dấy lên lo ngại về mức độ đạt chuẩn an toàn xây dựng của các toà nhà chung cư cao tầng mà còn cả về trình độ nhận thức cũng như ý thức chăm sóc, bảo vệ con cái của những bậc ông bà, cha mẹ hiện nay….
Chung cư Dịch Vọng – nơi 1 cháu bé đã bị ngã tử vong
Mất an toàn từ nhà….
Theo ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhiều tai nạn xảy ra cho cả người lớn và trẻ em – đặc biệt là trẻ em – có lỗi của các nhà thầu xây dựng. Để tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thi công, nhiều nhà thầu xây dựng đã không tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng về an toàn trong thiết kế và xây dựng.
Cụ thể, nhà từ tầng 5 trở lên theo quy định không được có lan can. Từ tầng 5 trở xuống kẽ lan can phải khít. Cửa kính nếu ở chỗ va đập được phải là kính không vỡ. Nhiều khi nhà thiết kế tuân thủ nhưng nhà xây dựng lại không. Do vậy, đã có rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 276: 2003, công trình công cộng, không có yêu cầu tối thiểu về chiều cao bậu cửa sổ của nhà cao tầng khi cửa mở trực tiếp ra ngoài. Chỉ có yêu cầu chiều cao bậu cửa sổ không được dưới 2m nếu mở ra hành lang chung. Tuy nhiên trong mục “Lan can” có yêu cầu chiều cao khi tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, phải có độ cao từ 0,9 đến 1,2m (mục 5.8.1). Trong khi đó, trong bảng Tiêu chuẩn Xây dựng số 323 được Bộ Xây dựng ban hành năm 2004, nhà cao tầng từ 6 tầng trở lên không được thiết kế bancông. Trong đó, lan can được quy định chung chung là không được hở chân và có chiều cao không thấp hơn 1,2m…
Còn theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng VN 05:2008 hiện đang được áp dụng thì lan can, bancông của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Lan can được quy định phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang, không được phép làm loại có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua. Theo đó, không bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm, tránh trường hợp trẻ em chui lọt đầu qua. Cũng trong tiêu chuẩn này, các toà nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, bancông, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở garage ôtô.
GS-TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – cho hay, hiện có một bộ phận chủ đầu tư cố tình lách luật và vi phạm luật xây dựng để giảm chi phí, từ đó dẫn đến hiện trạng nhiều hệ thống lan can, bancông và cầu thang của nhiều nhà cao tầng thiếu an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. Trong đợt điều tra, khảo sát trên 30 công trình đang được sử dụng như nhà chung cư, trường học, trường mẫu giáo, bệnh viện… vừa được Bộ Xây dựng thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 82 đơn vị thuộc các sở, ngành trong cả nước cho thấy rất nhiều công trình chưa áp dụng đầy đủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng VN số 05:2008/BXD “Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khoẻ” của Bộ Xây dựng ban hành. Các sai phạm tập trung chủ yếu ở việc thiết kế và thi công bancông, lan can thấp; khoảng cách giữa các lan can rộng, có bố trí các thanh ngang; ổ điện bố trí thấp từ 20cm – 40cm so với mặt sàn và không có hộp bảo vệ; sử dụng kính thường ở các vị trí mà theo quy định của Quy chuẩn phải sử dụng kính an toàn… vừa không có hệ thống bảo vệ như khung sắt hay lưới chắn.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, việc thiết kế các toà nhà chung cư bắt buộc phải có hệ thống rào chắn lan can an toàn, tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về độ cao, khe hở giữa các song sắt sao cho trẻ em không thể thò đầu qua.
… đến ý thức người lớn
Ngày 18.11.2010, một em bé 4 tuổi ở Toà nhà Artex 172 Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) rơi từ lan can tầng 11 của toà nhà xuống đất tử vong. Lúc xảy ra tai nạn, mẹ cháu bé đang tranh thủ chạy đi chợ mua một số thứ. Trong lúc hoảng sợ khi tỉnh dậy mà không thấy mẹ, bé đã tìm cách mở cửa sổ kính và trèo ra ngoài.
Tương tự, sáng 28.6.2010, tại Toà nhà No5 thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), bé Minh Anh 3 tuổi đã chết vì rơi từ bancông tầng 5 xuống đất. Theo cơ quan điều tra, sáng hôm ấy, thấy Minh Anh đang ngủ, người thân khoá cửa đi ra ngoài. Có thể bé gái đã đi ra ngoài bancông, bước lên ghế gần lan can và bị ngã. Trước đó, ngày 1.8.2007, cháu Đặng Xuân Phúc (sinh năm 2003) sống tại phòng 1108 – tầng 11 của toà nhà No 9B thuộc Khu đô thị bán đảo Linh Đàm rơi từ tầng 11 xuống, tử vong. Được biết, khi xảy ra tai nạn bố mẹ của cháu đang về quê ở Thái Bình để viếng đám tang, nên ở nhà chỉ có một phụ nữ giúp việc tên là Lê Thị Là (sinh năm 1959) trông coi cháu. Sáng sớm, khi cháu Phúc còn đang ngủ, chị Là tranh thủ ra chợ mua thức ăn. Theo nhận định của một số người, có thể khi tỉnh giấc không thấy ai ở nhà nên cháu Phúc đã mở cửa ra lan can và chuyện đau lòng đã xảy ra.
Nickname khucnhacbuonkt trên webtretho cho hay rất nhiều bậc phụ huynh sống cùng chung cư chị ở chủ quan cho rằng không có lý do gì có thể khiến trẻ con trèo lên cửa sổ, vì vậy họ từ chối bỏ vài triệu để làm khung sắt, bọc lưới cho các cửa sổ trong nhà. Trong khi đó, các cửa sổ của chung cư được thiết kế khá lớn và ở dạng cửa kính kéo lên. Bên cạnh đó, có khá nhiều gia đình để con trẻ ở nhà một mình khi có việc bận cần ra ngoài.
Theo các nghiên cứu khoa học, trẻ em thường có tâm lý hiếu kỳ tìm hiểu không gian xung quanh trong khi bản thân chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra. Vì vậy, các em thường có xu hướng leo lên cửa sổ, lan công, bancông hay sờ mó vào các vật dụng có thể gây nguy hiểm trong nhà như ổ điện, phích nước nóng…. Khi bị bỏ rơi một mình trong nhà, các em, đặc biệt là các em nhỏ tuổi thường có xu hướng rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi, từ đó tìm cách thoát ra ngoài nhà một cách vô thức để đi tìm người thân. Vì vậy, rất nhiều trường hợp trẻ em bò ra ngoài cửa sổ, lan can… và để xảy ra các tai nạn đáng tiếc khi người lớn vắng nhà.
Thống kê của Bệnh viện Việt Đức cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010 có gần 500 trẻ dưới 4 tuổi bị tai nạn. Một trong những nơi dễ xảy ra tai nạn là lan can nhà chung cư cao tầng và phần lớn trẻ bị tai nạn đều xuất phát từ chính sự sao lãng của người lớn. Ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH – cho biết: “Nếu chúng ta không hành động ngay, tai nạn có thể nhanh chóng trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em và thanh niên VN”.
Theo ông An, do khái niệm sống tại nhà chung cư còn khá mới mẻ đối với nhiều người dân VN do đó họ chưa được trang bị kiến thức đề phòng những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra đối với chính họ và con trẻ. Do đó, các ngành LĐ-TB-XH, y tế, giáo dục, công an… tại địa phương cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhiều hơn nữa công tác phòng chống tai nạn thương tích nhằm nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ trẻ em sống tại chung cư của những người dân. Ngoài ra, VN nên tham khảo quy định về việc để trẻ em nhỏ tuổi ở nhà một mình mà một số nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng để đưa ra các quy định phù hợp trong vấn đề này.