Trong số những phụ nữ mang thai bị bạo hành về thể xác, có đến 1/5 trường hợp bị chính cha của đứa trẻ đấm đá vào bụng.
Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam, thực hiện trên gần 5.000 chị em từ 18 đến 60 tuổi, phụ nữ tại Việt Nam có nguy cơ bị bạo lực do chồng cao gấp ba lần so với đối tượng khác gây ra kể từ khi họ 15 tuổi. Cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người đã từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục (chiếm 34%). Tỷ lệ bị bạo lực tinh thần cũng rất cao chiếm 54%, bạo lực kinh tế là 9%.
Phụ nữ mang thai cũng có tới 5% bị bạo lực thể xác, trong đó có tới 22% bị cha của đứa trẻ chưa chào đời đấm hoặc đá vào bụng.
Ông Nguyễn Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng Cục thống kê, cho biết đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần cho phụ nữ. Trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình cũng phải trải qua những chấn thương tinh thần và hậu quả là việc học tập, sức khỏe giảm sút rất nhiều, có nguy cơ trở thành người gây bạo lực khi trưởng thành.
Điều đáng buồn là bạo lực gia đình vẫn chưa được công khai nhiều do nạn nhân xấu hổ khi công khai chuyện nhà, sợ mất con, sợ vợ chồng ly dị… Một số ít phụ nữ bị bạo hành tìm đến sự hỗ trợ của cộng đồng nhưng không có kết quả bởi có nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn cho rằng vấn đề này thuộc phạm vi gia đình.
Tiến sĩ Jean – Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Không hề sai lầm khi cho rằng bạo lực gia đình là một thảm kịch quốc gia. Tôi nghĩ người phụ nữ bị bạo lực cần lên tiếng và kêu gọi sự giúp đỡ từ tư vấn. Không nên giữ im lặng, im lặng là chết”.
Theo ông Phong, biện pháp hữu hiệu hiện nay là cần phải phá tan sự im lặng, phá bỏ các rào cản xã hội ngăn cản phụ nữ lên tiếng và tìm kiếm sự trợ giúp. Ngoài ra, nhà nước nên xây dựng các biện pháp can thiệp, tập trung vào các bé trai và nam giới trẻ tuổi; lồng ghép bạo hành giới vào hệ thống giáo dục để cải thiện sự hiểu biết của giới trẻ về bình đẳng giới, bạo lực gia đình; đào tạo kỹ năng sống và hỗ trợ về mặt pháp lý cho phụ nữ để giúp họ có khả năng giải quyết trong các trường hợp bị bạo hành …