Một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể trao cho con cái là giúp chúng vượt qua được những ham thích trước mắt thông qua việc đặt ra các giới hạn đồng thời tự làm gương cho con.
Đó cũng là một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể trao cho những người ở dưới sự lãnh đạo hay quản lý của bạn.
Tôi có những suy nghĩ trên sau khi đọc “Trưởng thành trong thời đại kỹ thuật số: Lập trình cho sự xao nhãng” – đây là bài viết tuyệt vời và rất sâu sắc của Matt Richtel trên trang nhất tờ New York Times số ra ngày chủ nhật. Bài viết bàn về tác động của công nghệ mới đối với khả năng tập trung của trẻ nhỏ.
Tuy thú vị là vậy, song tôi ngờ rằng chẳng có mấy ai đọc cho đến hết bài báo. Bởi bài báo đó rất dài, trong khi bản thân người lớn chúng ta hiện cũng đang gặp phải một vấn đề tương tự như trẻ nhỏ. Mới tuần trước đây thôi, tôi còn viết một bài về chủ đề này với tựa đề “Cảnh báo: Sự tập trung của bạn đang bị bao vây”.
Nếu nói về tác động của hiện tượng con người ngày càng bị ám ảnh bởi việc kết nối qua các thiết bị điện tử, con trẻ chỉ là một phiên bản phóng đại của tất thảy chúng ta mà thôi.
Khi bận rộn tíu tít cả ngày với việc gửi đi cả nghìn tin nhắn, chơi game hàng giờ liên tục, và kiểm tra tài khoản Facebook liên tục, trẻ em đang giải quyết hai nhu cầu cơ bản của chúng: thỏa mãn ý thích nhất thời, lấy lại sự tự tin, tránh cảm giác cô đơn và sợ hãi. “Game không tạo ra lỗ hổng nào trong cuộc sống cả. Nó làm đầy lỗ hổng thì đúng hơn”, một học sinh tên Sean McMullen nói với Richtel.
Hậu quả rõ ràng nhất ở đây là khi mê mải dùng công nghệ để giải trí hay chạy trốn thực tế, trẻ em sẽ không chú tâm vào học hành hoặc các hoạt động tư duy phức tạp khác.
Trong một nghiên cứu gần đây, 47% những học sinh nghiện công nghệ nặng đều có kết quả học tập yếu kém; con số này ở những người ít sử dụng công nghệ là 23%. Những trẻ em mà tác giả Richtel nhắc đến trong bài báo trên đều đã phải học tập rất vất vả tương ứng bằng đúng thời gian chúng bỏ ra để vào mạng.
Chuyện tương tự cũng xảy ra tại các văn phòng làm việc. Phần lớn trong số chúng ta đều nhanh chóng bị phân tâm trong công việc mỗi khi thấy thông báo có email mới. Email cũng làm gián đoạn mọi công việc chúng ta đang thực hiện lúc đó.
Và khi chuyển hướng sự tập trung từ việc này sang việc khác, thời gian cần thiết để hoàn thành công việc ban đầu sẽ gia tăng đáng kể, đồng thời nó cũng làm gia tăng số sai lầm mà chúng ta có thể mắc phải.
Khi dồn hết tâm trí cho một công việc, chúng ta sẽ thu về kết quả có chất lượng cao nhất, và hiệu quả làm việc của chúng ta cũng ở mức cao nhất. Thế nhưng, để thực sự tập trung được, chúng ta buộc phải dằn lòng trước những ý thích nhất thời – mà điều này lại đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều.
Sau đây là các bài học rút ra cho các bậc phụ huynh cũng như các lãnh đạo.
Thứ nhất, hãy thực hiện những hành động mà bạn hy vọng sẽ thấy được ở con cái, nhân viên. Nếu lúc nào bạn cũng bận bịu với chiếc iPhone, hay xem TV, con cái bạn sẽ bắt chước bạn. Nếu bạn vừa tiếp chuyện người khác vừa dán mắt vào màn hình máy tính, họ cũng sẽ làm y như vậy.
Thứ hai, bạn cần biết rằng những công nghệ này cũng có khả năng gây nghiện như bất kỳ loại ma túy hay trò tiêu khiển nào, có thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái ngay tức thời hay tránh né những đau đớn.
“Thỉnh thoảng cháu cũng tự nói: Mình phải ngừng việc này lại và làm bài tập, nhưng rồi cháu lại không thể”, cậu bé Vijay Singh nói với tác giả Ritchel. Các bậc phụ huynh phải đặt ra các giới hạn chặt chẽ đối với việc sử dụng thiết bị điện tử của con mình.
Bạn không nên cấm cản chúng sử dụng các thiết bị điện tử, bởi đây là điều không tưởng và cực đoan, nhưng thay vào đó, bạn có thể giúp chúng tập luyện đều đặn thói quen biết hài lòng với việc đắm mình trong một thử thách phức tạp và vượt qua được thử thách đó.
Trong khi đó, các lãnh đạo cần khuyến khích nhân viên tắt email trong suốt thời gian làm việc để tập trung hoàn toàn vào những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với họ.
Thứ ba, các bậc phụ huynh và giáo viên nên khuyến khích một lối học tập mới. Dù là bài tập về nhà hay công việc tại công ty, cách tốt nhất để thực hiện chúng là tập trung làm việc liên tục trong vòng 90 phút đổ lại, sau đó là một số bước để “tái tạo” năng lượng.
Chúng ta đã kết hợp việc học tập với nhiều việc khác cùng lúc để rồi thu về những kết quả yếu kém – đây chính là cái giá mà chúng ta phải trả khi “nghiện” kết nối.
Các công nghệ mới sẽ không biến mất – thực ra thì chúng không nên biến mất. Vấn đề ở đây là chúng ta phải học cách quản lý chúng một cách khéo léo hơn, để chúng không quay trở lại quản lý chúng ta.
Tác giả bài viết Tony Schwartz là tác giả cuốn sách bán chạy nhất hiện nay “The Way We’re Working Isn’t Working” (Cách chúng ta đang làm việc không hiệu quả – Tạm dịch).