Ngắm nhìn một đứa trẻ lớn lên quả là niềm thú vị tuyệt vời với những bậc cha mẹ. Nhưng quá trình đó cũng luôn đi kèm nhiều âu lo. Chuyên gia vật lý trị liệu đến từ Mỹ, Cathy Babiak chia sẻ các thông tin nhằm giúp phụ huynh sớm nhận biết các trục trặc về vận động ở trẻ, ngay cả trong giai đoạn sơ sinh.
Việc phát hiện thật sớm các trục trặc về vận động ở trẻ nhỏ có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
Chuyên gia Cathy Babiak: Đầu tiên, tôi phải khẳng định là điều này rất quan trọng. Đứa trẻ được phát hiện các vấn đề sớm đến mức nào thì chúng ta có thể can thiệp giúp bé sớm đến mức đó. Với các giải pháp can thiệp sớm, sự phát triển của bé có thể được cải thiện, đứa trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển mà đi kèm ít rắc rối hơn. Chẳng hạn như với một đứa trẻ không thể tự giữ cổ để nâng đầu lên được, nếu chúng ta biết cách bế bé trong tư thế ngồi với sự nâng đỡ chắc chắn, bé vẫn có thể nhìn thấy thế giới xung quanh, chúng ta có thể nói với bé về cái bé đang nhìn thấy, giúp bé tương tác với thế giới xung quanh… Vật lý trị liệu cũng có những kỹ thuật giúp cải thiện trục trặc trong việc nâng cổ dậy.
Tư thế nằm sấp sẽ giúp trẻ phát triển vận động
Với cách hỗ trợ như thế, một đứa trẻ gặp rắc rối về mặt vận động nhưng có khả năng trí tuệ sẽ không mắc kẹt trong rắc rối của mình mà vẫn có thể phát triển nhận thức vì sự tương tác, khám phá thế giới xung quanh là bước khởi đầu cực kỳ quan trọng để giúp bé học hỏi. Cần phải lưu lý rằng một đứa trẻ bình thường mới chào đời đã bắt đầu khám phá thế giới xung quanh và quá trình này trở nên mạnh mẽ từ lúc trẻ 2, 3 tháng tuổi.
Với tôi, phát hiện sớm và can thiệp sớm là lúc trẻ dưới 6 tháng. Đợi tới 1 tuổi thì đã hơi muộn, dù bắt đầu can thiệp vào tuổi này cũng được gọi là can thiệp sớm.
Nói như vậy có nghĩa sự phát triển về vận động tác động đến trí tuệ?
Chuyên gia Cathy Babiak: Nếu như một đứa trẻ bị mắc kẹt trong các hạn chế về vận động khiến trẻ không thể khám phá môi trường xung quanh, không thể chơi, không thể lấy đồ vật…, quá trình học hỏi ở trẻ sẽ bị tác động. Cha mẹ cần đảm bảo rằng những trẻ bị khiếm khuyết vận động vẫn thường xuyên được đưa ra khỏi nhà, được tương tác với các trẻ khác, được chơi…
Đâu là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ có trục trặc về vận động, thưa bà?
Chuyên gia Cathy Babiak: Điều đầu tiên mà tôi để ý đến sẽ là khả năng giữ cổ để nâng đầu. Chúng ta cần theo dõi từ lúc trẻ mới chào đời để ghi nhận. Nếu đến lúc 3 tháng tuổi, trẻ vẫn không có khả năng kiểm soát được đầu khi được bế ngồi trong lòng mẹ thì đó là dấu hiện rất đáng lo ngại, có thể là biểu hiện của chứng bại não.
Chuyên gia Cathy Babiak tại Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM
Chúng ta cũng cần lưu ý ngay sau khi trẻ chào đời xem cơ của trẻ có bị co cứng hoặc quá mềm nhão hay không, bởi đó có thể là dấu hiệu cho các tổn thương ở não.
Đến lúc 2 tháng, cả khi được bế ngồi trong lòng mẹ hoặc khi nằm ngửa, trẻ thường phải biết ngắm nhìn bàn tay của mình.
Còn trong giai đoạn 3-4 tháng, một đứa trẻ bình thường khi được bế ngồi trong lòng mẹ phải biết đưa tay với lấy đồ chơi. Cha mẹ cũng cần để ý xem có phải 2 tay trẻ đều linh hoạt hay không, hay trẻ hầu như chỉ sử dụng 1 tay, còn tay kia như không có tí lực nào (đó cũng có thể là dấu hiệu của bại não).
Một số trẻ tỏ ra rất khó bế, thậm chí chống lại chuyện được bế. Có gì đáng lo trong chuyện này không, thưa bà?
Chuyên gia Cathy Babiak: Đó rõ ràng là một dấu hiệu cảnh báo. Có thể có nhiều lý do đằng sau việc một đứa trẻ khó bế. Nếu đó là trục trặc ở vận động như bại não, khiến cơ của trẻ co cứng, trẻ trở nên khó bế vì tư thế bế làm cho trẻ rất khó chịu. Lúc đó, bà mẹ cần học một số kỹ thuật để giảm thiểu sự khó chịu này. Một lý do khác nữa là có thể trẻ sợ hãi đụng chạm vào cơ thể. Đó có thể là những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên rằng trẻ bị tự kỷ.
Dù theo dõi con kỹ càng, nhưng có một điều quan trọng: bà mẹ không được quá lo lắng, căng thẳng vì những lúc này, trẻ thường có khuynh hướng phản ứng lại khi được bế. Đứa trẻ cảm nhận được sự lo lắng của mẹ.
Ngoài ra, cũng có những trẻ đơn giản là không thích bế, chỉ thích nằm trong nôi mà chúng ta chẳng bao giờ biết được vì sao. Vì thế, cha mẹ phải nhìn những dấu hiệu khác nữa. Nếu trẻ phát triển hoàn toàn bình thường: biết tiếp xúc mắt, biết thích thú với đồ chơi, vận động tay chân bình thường, khả năng giữ đầu tốt…, thì cha mẹ nên bớt lo lắng đi vì thông thường các trục trặc sẽ đi kèm với nhau.
Một số trẻ không hề bò, điều này có tác động gì tới quá trình phát triển của trẻ không, thưa bà?
Chuyên gia Cathy Babiak: Chúng ta phải để ý xem trẻ có dùng những cách thức khác, chẳng hạn như khi đang ngồi biết “lết” mông di chuyển để lấy đồ chơi hay không, “lết” mông để tới chỗ có ghế, bám vào đó mà đứng dậy hay không, biết vịn vào các đồ vật trong nhà để tập đi hay không… Nếu tất cả các câu trả lời là có, đó là một đứa trẻ “trốn bò” bình thường. Phần lớn trẻ bình thường có bò. Nhưng chắc chắn, bò không phải là điều kiện tiên quyết để xác định một đứa trẻ có khả năng học hỏi hay không.
Cần cho trẻ có nhiều thời gian “lăn lê” trên sàn nhà
Tất nhiên, cũng có trẻ gặp trục trặc về vận động khiến trẻ không thể bò, vì thế chúng ta luôn phải nhìn toàn thể bức tranh chứ không chỉ một chi tiết.
Dù thế nào đi chăng nữa, các bà mẹ cũng nên khuyến khích (chứ không phải là ép buộc) trẻ tập bò vì động tác này sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc phát triển các kỹ năng ở bàn tay.
Cha mẹ nên làm gì để khuyến khích con vận động từ sớm, thưa bà?
Chuyên gia Cathy Babiak: Cần cho trẻ có thời gian nằm sấp mỗi ngày ngay từ khi trẻ mới 1 tháng cho tới khi biết đi, để trẻ luyện tập kỹ năng kiểm soát đầu, lật, chống tay ngồi dậy… Một đứa trẻ, dù là bình thường mà luôn nằm ngửa, không bao giờ có cơ hội nằm sấp cũng sẽ phát triển vận động chậm so với bình thường.
Khi trẻ lớn một chút, hãy để cho trẻ có cơ hội được lăn lê trên sàn nhà để chơi, sau đó được mang vác, được leo trèo, bò, đá banh, nhảy…
Có một yếu tố rất quan trọng: hãy để cho tất cả là trò chơi vui vẻ, chứ không phải là những bài tập nặng nhọc, căng thẳng, kể cả đối với trẻ có vấn đề về vận động.