Vậy là sau 9 tháng cưu mang, thì thời khắc “khai hoa nở nhụy” cũng đã đến. Bạn sẽ rất hồi hộp, lo lắng dù đã chuẩn bị tinh thần và những kiến thức cần thiết. Dưới đây là những kinh nghiệm được tổng hợp giúp bạn trải nghiệm cuộc vượt cạn dễ dàng nhất.
4 kiểu thở thông thường khi vượt cạn
Thở ngực chậm
– Khi cổ tử cung mở 1 – 6 cm , cơn co diễn ra trong khoảng 20 giây, tần số thưa, khoảng cách giữa các cơn co dài, 15 – 20 phút /cơn.
Việc thở từ từ sẽ giúp ích cho bạn vào lúc tử cung co thắt cao điểm. Hãy hít vào, thở ra bằng miệng, chỉ đưa không khí vào phần trên của phổi thôi. Bác sĩ hoặc người thân cần đặt 2 tay lên xương bả vai của bạn để cảm nhận rõ hai bên nhấp nhô. Hãy tập điều chỉnh cho nhịp thở ngày càng nông hơn, thỉnh thoảng cần hít thở sâu một lần khi cảm thấy cần.
Thở ngực nông (nhanh dần – chậm dần)
– Khi cổ tử cung mở 6- 8 cm, cơn co lúc này mau hơn, mạnh hơn, kéo dài 15-20 giây/cơn mỗi cơn cách nhau khoảng 10-15 phút/ lần.
Thở ngực nông có tác dụng làm dịu cơn đau, nó có ích nhất vào lúc đầu và lúc cuối của cơn co thắt tử cung. Bạn hãy ngồi ở tư thế mà bạn cảm thấy là thoải mái nhất và thư giãn tối đa. Sau đó hãy thở sâu bằng mũi tới tận cùng đáy phổi. Lúc này bác sĩ hoặc người hộ sinh sẽ áp tay vào lưng và eo để cảm nhận rõ lồng ngực bạn đang động đậy. Giữ nguyên tư thế đó và tập hít ra, thở vào một cách chậm rãi.
Thở ngắn- nhanh- nông
– Khi cổ tử cung đã mở 8 – 9.5 cm, đầu thai nhi tụt xuống, chèn ép vào bàng quang và trực tràng nên cảm giác đầu tiên của người mẹ là muốn rặn. Cơn đau dồn dập, rất mạnh, trong vòng 3-5 phút/cơn, cơn co kéo dài 50 – 55 giây. Lúc này sản phụ càng phải bình tĩnh hơn, thở để tránh rặn non có thể gây phù nề cổ tử cung gây khó khăn cho cuộc đẻ.
– Bắt đầu cơn co, bạn thở 1, 2, 3, 4 hơi thở ngắn, hơi thở thứ 5 thổi mạnh (hoàn toàn bằng miệng). Tập 2 – 4 lần như vậy, khi nào hết cơn co bạn hít vào và thổi ra từ từ một lần hoàn toàn bằng miệng như đã nêu.
Thở khi rặn đẻ
Khi cổ tử cung mở 10cm (không còn sờ thấy vành tử cung, chỉ có sờ thấy túi ối hoặc đầu em bé), cơn đau dồn dập thì lên bàn sinh. Sau giai đoạn thứ nhất của tiến trình chuyển dạ, lúc này bạn sẽ muốn rặn đẻ ngay dù cổ tử cung của bạn chưa mở ra hết. Bạn có thể cưỡng lại phản ứng này với động tác hít vào hai hơi ngắn rồi thở ra bằng một hơi dài.
– Tư thế ngồi co hai gối lên, mở rộng hình chữ V để bác sĩ thấy được em bé chui ra ở mức nào, hai bàn chân vuông góc với cẳng chân (ngoắc vào quai ở bàn đẻ), hai bàn tay luồn qua mặt ngoài đùi và ôm lấy đùi hoặc túm lấy thành bàn đẻ, lưng cong hình chữ C.
– Bắt đầu cơn co và mót rặn, sản phụ hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng rồi sau đó hít một hơn thật dài, nín thở ngậm hơi trong mồm, cằm từ từ tì vào ngực và nhẩm chậm trong đầu 1 đến 7, đưa hơi xuống bụng và rặn mạnh như khi bị táo bón. Rặn 2 hơi như vậy rồi lại hít và thở bình thường. Đến cơn co tiếp theo lại rặn như vậy.
Những giai đoạn của quá trình chuyển dạ
Thông thường, cuộc chuyển dạ đẻ kéo dài khoảng 5-18 giờ với con so, có thể nhanh hơn với con rạ. Bạn phải trải qua ba giai đoạn sau:
Giai đoạn cổ tử cung mỏng đi và mở ra rộng hơn
Tử cung co bóp, cổ tử cung mỏng đi và mở dần ra, cuối cùng đủ rộng cho đầu bé lọt ra (khoảng 10 cm). Đây thường là giai đoạn dài nhất và khó khăn nhất trong quá trình chuyển dạ. Những cơn đau đi từ ngắn đến dài, âm ỉ. Lúc đau nhất thường là cuối giai đoạn này, khi cơn đau chỉ hai, ba phút đã lặp lại, và kéo dài đến một phút hoặc hơn. Ở bên trong, bé ép mạnh xuống, khiến bạn không chỉ đau bụng mà lưng dưới và tầng sinh môn cũng có thể đau tức.
Dịch âm đạo bắt đầu tiết ra nhiều. Lúc này chân có thể đau nhức, run rẩy, cảm giác nóng bừng hoặc rét run, mệt bã người, buồn ngủ. Một số thai phụ buồn nôn và nôn trong thời gian này. Cố gắng thư giãn, ăn thêm cho có sức. Khi các cơn co trở nên liên tục, mãnh liệt, dứt mỗi cơn bạn hãy thở sâu để lấy bình tĩnh và tiếp nhận thêm ôxy. Bạn cần đi tiểu thường xuyên (dù không mót), đừng để bàng quang đầy sẽ gây cản trở khi rặn cho em bé ra ngoài.
Giai đoạn rặn sinh
Đây là lúc cổ tử cung mở hết, là lúc bạn được các bác sĩ yêu cầu bắt đầu rặn đẻ. Ở Việt Nam, tư thế truyền thống vẫn là nằm ngửa. Nếu là con so, giai đoạn này kéo dài khoảng một tiếng, nếu là con rạ thì diễn ra nhanh hơn. Mỗi cơn co là bạn sẽ muốn rặn, cứ rặn mạnh và đều kèm theo nhịp thở được bác sĩ chỉ dẫn. Không nên kêu rên nhiều vì sẽ mất sức.
Lúc này đầu bé sẽ di chuyển dần từ trong tử cung ra âm đạo. Mỗi cơn co và rặn, bé nhích thêm một chút. Khi bé ra gần đến cửa âm đạo, bạn có thể sẽ phải chờ cửa âm đạo giãn. Vài cú rặn mạnh nữa, đầu bé chui ra ngoài, rồi đến cả thân người. Bác sĩ hoặc bà đỡ hút nhớt, lau sạch người bé, kẹp và cắt rốn cho bé.
Giai đoạn sổ nhau
Sau khi bé ra đời, tử cung bạn còn co bóp, nhau bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra âm đạo. Nhiều phụ nữ cho biết lúc này không cảm thấy tử cung co hay đau nữa, hoặc chỉ đau ngâm ngẩm như khi hành kinh. Bạn rặn tiếp để đẩy nhau ra ngoài. Cán bộ y tế nhẹ nhàng đỡ nhau ra. Nếu nhau bong không hoàn toàn, cán bộ y tế sẽ can thiệp để lấy hết nhau ra cho bạn.