Trẻ bị vàng da sau khi sinh vài ngày là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng trong một số trường hợp nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ gây dị tật cho trẻ.
Trẻ sau khi sinh vài ngày có triệu chứng vàng da là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu thai nhi bị phá huỷ để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Tuy nhiên, một số trường hợp vàng da do chất bilirubin tăng quá cao thấm vào não sẽ gây dị tật cho trẻ nếu không được phát hiện sớm.
Điều trị muộn, hậu quả nặng nề
Sản phụ Hà Phương, nhà ở phố Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội mới sinh con gái tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được 2 hôm. Khác với việc quấn tã thật kỹ cho em bé của các sản phụ cùng phòng, chị Hà Phương chốc chốc lại vạch áo, vén tã của con lên để kiểm tra xem da của con gái có bị vàng hay không.
Theo chị Hà Phương, cách đây 5 năm, chị sinh con gái đầu lòng. Do sinh thường, lại khoẻ mạnh nên chỉ sau 3 ngày, gia đình chị xin xuất viện về nhà để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, qua một đêm ngủ ở nhà, sáng hôm sau chị phát hiện vùng da ở cổ, ngực của con ngả màu vàng, lòng trắng của mắt cũng hơi vàng.
Do chủ quan, chị không cho con đi khám. Đến khi da em bé ngả sang màu vàng ruộm, người mệt mỏi, bỏ bú, chị Phương mới đưa con đến Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám thì đã quá muộn. Lượng bilirubin tăng cao thấm vào não khiến con gái chị bị di chứng về tâm thần vận động, không biết lẫy, bò, đi đứng mà chỉ nằm một chỗ.
Cũng tại Khoa Sản dịch vụ – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ Bùi Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) nước mắt ròng ròng khi bác sĩ kết luận con gái chị bị vàng da nặng và phải thay máu. Trước đó, khoảng 3 ngày sau khi sinh, bác sĩ khám và phát hiện bé bị vàng da nên cho lên phòng chiếu đèn (ánh sáng của đèn biến bilirubin thành chất không độc và loại chất này khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, nước tiểu- PV). Tuy nhiên, sau 1 ngày đêm điều trị tích cực, chất bilirubin vẫn không đào thải hết khỏi cơ thể của bé buộc các bác sĩ phải lựa chọn phương pháp thay máu.
Theo BS Nguyễn Minh Nguyệt, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vàng da sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu thai nhi bị phá huỷ để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Thông thường, sau sinh từ 3- 5 ngày, trẻ sẽ có biểu hiện vàng da. Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh thường nhẹ và tự khỏi sau từ 7- 10 ngày, do lượng bilirubin được đào thải qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp vàng da nặng do chất bilirubin tăng quá cao thấm vào não, khiến trẻ bị di chứng về tâm thần vận động hoặc tử vong nếu phát hiện muộn.
Ánh sáng của đèn neon sẽ biến chất bilirubin thành chất không độc và thải qua đường nước tiểu.
Bú mẹ nhiều, trẻ bớt vàng da
Một trong những nguyên nhân luôn được các bác sĩ sản phụ cảnh báo về việc phát hiện muộn vàng da ở trẻ sơ sinh là do tập quán các bà mẹ thích nằm phòng tối vì sợ em bé chói mắt. Với độ sáng lờ mờ, các bà mẹ khó có thể phát hiện vàng da sớm ở trẻ em. Theo BS Đức Trí, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, nhiều trường hợp nằm phòng tối nên không phát hiện sớm trẻ bị vàng da, khi phát hiện ra thì trẻ đã bị vàng da lan tới tận lòng bàn tay, bàn chân. Hậu quả là những em bé này sẽ phải chịu di chứng về tâm thần hoặc nặng hơn là tử vong.
Hàng ngày cần quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời để phát hiện vàng da. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, khi có một trong các dấu hiệu sau: Vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sinh; vàng da qua rốn, vàng da tới lòng bàn tay, bàn chân; vàng da kèm bú kém, bỏ bú, gồng người; vàng da kéo dài trên 15 ngày.
Cũng theo BS Đức Trí, với những trường hợp vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sinh hoặc vàng da nặng lan tới bàn tay, bàn chân cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, vì đây không phải là vàng da sinh lý bình thường. Với những biểu hiện vàng da sớm này, thông thường sẽ không tự khỏi sau 1 tuần mà phải được điều trị tích cực bằng các biện pháp như chiếu đèn hoặc thay máu nếu trẻ bị vàng da quá nặng như: Vàng da đến lòng bàn tay, chân, bỏ bú, gồng mình. Trong trường hợp này, việc thay máu sẽ lấy nhanh chóng bilirubin ra khỏi cơ thể trẻ.
Để phát hiện sớm vàng da ở trẻ sơ sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên quan sát màu da toàn thân của trẻ nơi có đủ ánh sáng. Trong trường hợp da trẻ màu hồng hoặc màu đen, khó nhận biết vàng da thì ấn nhẹ ngón tay cái lên vùng da vài giây, sau đó buông tay ra. Nếu trẻ bị vàng da, sẽ thấy được màu da vàng thật sự ở nơi ấn ngón tay.
Nếu bị vàng da nhẹ ở mặt và thân, xuất hiện sau ngày thứ 3 sau sinh, trẻ vẫn bú tốt, sẽ tự khỏi sau từ 7- 10 ngày. Trong trường hợp này, cách điều trị tốt nhất là thường xuyên đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời. Hoặc cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hoá. Và tiếp tục theo dõi diễn tiến vàng da ở trẻ hàng ngày ít nhất từ 7- 10 ngày sau sinh.
Nếu trẻ vàng da sớm trong từ 1- 2 ngày sau sinh, da vàng sậm lan xuống tay chân thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây vàng da ở bé
Vàng da sinh lý
Chứng bệnh này kéo dài vài ngày đến vài tuần là khỏi. Bé sẽ khỏe mạnh và không có biến chứng gì.Nguyên nhân vàng da sinh lý ở bé là vì chu kỳ thay thế hồng cầu ở bé sơ sinh thường ngắn hơn người lớn. Khi ấy, lượng hồng cầu tiêu hủy nhanh làm tăng lượng bilirubin trong máu. Hơn nữa, gan của bé còn chưa hoàn thiện, việc loại bỏ bilirubin trong máu là vô cùng khó khăn. Nếu sau vài tuần mà bé chưa đỡ chứng vàng da, có thể gan bé bị trục trặc.
Các nguyên nhân khác gây vàng da ở bé
- Nhóm người mẹ mắc chứng tiểu đường cũng làm gia tăng tình trạng vàng da ở bé sơ sinh.
- Một số trường hợp, bé có thể nuốt phải máu của người mẹ trong quá trình sinh nở. Kết quả, bé xuất hiện tình trạng máu vón cục, gây tăng bilirubin.
- Do bé bị viêm đường dẫn mật: Tình trạng này kéo theo hiện tượng ứ mật hoặc tắc mật – gây nên vàng da.
- Trong sữa mẹ có chất làm tan hồng cầu trong máu bé. Bình thường, cơ thể bé đều có khả năng thích ứng với sữa mẹ. Tuy nhiên, một số bé mẫn cảm, bé sẽ có phản ứng vàng da.
Bạn không cần cai sữa cho bé. Dần dần, hồng cầu của bé sẽ khỏe hơn; đi kèm với những chất gây vàng da bé giảm, bé sẽ khỏe mạnh bình thường. Nếu bé bú mẹ bị vàng da nghiêm trọng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có thể ngưng cho bé bú tạm thời và chuyển cho bé sang sữa hộp công thức. Đến khi bé hết vàng da, bạn có thể cho bé bú mẹ như bình thường.
- Một số trường hợp, vàng da ở bé là do thừa caroten. Nếu hấp thụ quá nhiều caroten, cơ thể bé sẽ không thể tiêu hóa hết. Kết quả, nguồn caroten thừa được dự trữ trong gan của bé. Sự ứ đọng caroten gây chứng vàng da (nhất là lòng bàn tay, bàn chân) của bé.
Cha mẹ nên sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm chứa caroten. Những loại thức ăn như carrot, bí đỏ… bạn chỉ nên thay phiên cho bé dùng 1-2 bữa/tuần. Mỗi lần ½ quả nhỏ (với carrot), một miếng nhỏ (với bí đỏ).
- Ngoài ra, nguyên nhân gây vàng da ở bé còn do bé bị nhiễm trùng máu; bé bị viêm gan…
Lưu ý: Nếu tình trạng vàng da ở bé không phải do sinh lý, bạn nên đưa bé đi khám sớm.
hong duy đã bình luận
Chào bác sĩ
Hôm nay con tôi được 47 ngày, vừa làm xét nghiệm vàng da ở bệnh viện Nhi Đồng 1, kết quả như sau:
BILI TP 160.81 (Giá trị bình thường : 5.10 – 20.50)
BILI TT 13.85 (Giá trị bình thường : 0.10 – 3.40)
BILI GT 146.96 (Giá trị bình thường : 0.00 – 13.70)
AST(GOT) 49 (Giá trị bình thường : 15 – 60)
ALT(GPT) 27 (Giá trị bình thường : 13 – 45)
ALP 203 (Giá trị bình thường : 82 – 383)
GGT 74 (Giá trị bình thường : 5 – 39)
Bác sĩ cho thuốc vitamin E va D3 (0.75g) và chuẩn đoán là do sữa mẹ.
Nhưng tôi thấy bé vàng, lòng trắng mắt của bé cũng hơi vàng.
Xin hỏi bác sĩ MeYeuCon kết quả như trên có gì đáng ngại không? hướng điều trị thế nào? tôi có nên tiếp tục cho bé bú không? Tôi đang rất lo lắng.
Chờ thông tin trả lời của bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ