Viêm gan A, B và C là phổ biến hơn cả nhưng viêm gan D, E vẫn có thể gặp ở bé. Bé có thể mắc viêm gan mà không có triệu chứng nào. Thực tế, bé càng lớn, các triệu chứng của bệnh càng điển hình hơn.
Tìm hiểu về viêm gan A
Định nghĩa viêm gan A
Virus viêm gan A có thể lẫn trong phân và lây truyền từ người này sang người khác; chẳng hạn, bé có khả năng nhiễm viêm gan A nếu bàn tay của bé sờ vào phân người nhiễm bệnh rồi vô tình đưa lên miệng. Ngoài ra, virus viêm gan A còn bị lây lan qua nguồn nước và thức ăn. Bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh ở một số khu vực nhà trẻ nhất định. Phần lớn các bé mắc viêm gan A mà không có triệu chứng của bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bé mắc viêm gan A
Triệu chứng nghiêm trọng của viêm gan A bao gồm: sốt, kém ăn, mệt mỏi, nôn trớ; nước tiểu sậm màu và vàng da. Những triệu chứng này thường kéo dài 2 tuần đến 2 tháng, có khi lâu hơn. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bé mắc bệnh nhưng không có triệu chứng của bệnh.
Ngăn ngừa viêm gan A cho bé
Văcxin phòng viêm gan A có thể bảo vệ bé khỏi mắc bệnh trong vòng 20 năm. Các chuyên gia sức khỏe Mỹ khuyến cáo, các bé cần được tiêm 2 liều văcxin phòng viêm gan A, khi bé 12 và 23 tháng tuổi.
Bạn cần vệ sinh bàn tay bằng xà phòng và nước ấm, nhất là sau khi đi toilet, thay tã cho bé và trước khi chuẩn bị thức ăn để ngăn ngừa virus gây bệnh. Bạn cũng nên vệ sinh bàn tay của bé.
Tìm hiểu về viêm gan B
Định nghĩa viêm gan B
Virus viêm gan B lây truyền thông qua tiếp xúc máu và chất dịch khác trên cơ thể. Người lớn có thể mắc viêm gan B nếu quan hệ tình dục không an toàn. Bé sơ sinh có thể bị bệnh do nhiễm virus gây bệnh từ máu và chất dịch âm đạo của mẹ trong quá trình sinh nở. Một số ít trường hợp, virus gây bệnh có thể truyền từ nhau thai vào cơ thể bé trong thời kỳ mang bầu.
Nhận biết viêm gan B ở bé
Phần lớn các trường hợp mắc viêm gan B ở bé là không có triệu chứng. Tuy nhiên, dấu hiệu đặc trưng của viêm gan B bao gồm: sốt, nôn trớ, kém bú, vàng da, vàng mắt. Nếu mẹ mắc viêm gan B, bé sẽ được tiêm văcxin phòng viêm gan B và cả chất kháng sinh, chống lại virus gây bệnh. Sau đó, khoảng 9-15 tháng tuổi, bé sẽ được kiểm tra sức khỏe để đảm bảo, văcxin phòng viêm gan B hiệu quả.
Ngăn ngừa viêm gan B
Với bé được sinh ra từ người mẹ không mắc viêm gan B, bé được tiêm văcxin phòng viêm gan B làm 3 đợt: Một là sau khi chào đời đến 2 tháng tuổi, hai khi bé được 2-4 tháng tuổi và ba khi bé được 6-18 tháng tuổi.
Với bé được sinh ra từ người mẹ mắc viêm gan B, bé được tiêm mũi đầu tiên phòng viêm gan B 12h sau sinh (kèm chất kháng sinh chống virus gây bệnh); mũi thứ hai khi bé 1-2 tháng tuổi; mũi thứ ba khi bé được khoảng 6 tháng tuổi.
Tìm hiểu về viêm gan C
Nhiều người mắc viêm gan C không có triệu chứng; vì thế, họ thường không biết mình mang bệnh cho đến khi gan đã bị phá hủy sau nhiều năm. Virus gây viêm gan C lây truyền qua tiếp xúc máu và các chất dịch cơ thể khác. Người lớn có thể mắc viêm gan C qua truyền dịch và quan hệ tình dục không an toàn.
Các bé có thể bị viêm gan C do ảnh hưởng từ mẹ nhưng thường không phổ biến. Viêm gan C rất khó khăn trong điều trị và chưa có văcxin phòng ngừa.