Kể từ ngày 15-4, các loại đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt, cụ thể là phải có chứng nhận công bố và gắn dấu hợp quy mới được lưu hành trên thị trường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, có hiệu lực từ ngày trên.
Theo một chuyên gia, phần lớn các loại đồ chơi trẻ em hiện nay đều là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, được bày bán ở nhiều khu chợ, cửa hàng, trong đó nhiều loại không có nhãn mác, không có hướng dẫn sử dụng, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn các nguy cơ nhiễm hóa chất và kim loại độc hại. Các loại đồ chơi nhập khẩu này cần phải được chứng nhận hợp quy, trong khi đồ chơi sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy mới được đưa ra lưu thông trên thị trường.
Theo ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), quy chuẩn mới có một số thay đổi so với trước đây. Ông Lâm cho biết, trước năm 1996 đã có một quy chuẩn là thông tư 117 về danh mục các đồ chơi trẻ em, kể cả loại đồ chơi dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi, phải được kiểm tra theo tiêu chuẩn Việt Nam về cả cơ lý và chất ô nhiễm,
Đến năm 2006, loại đồ chơi cho trẻ em trên 36 tháng tuổi không cần phải kiểm tra cơ lý mà chỉ cần kiểm tra hàm lượng chất gây ô nhiễm, như hóa chất hay kim loại nặng. Đối với đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, là lứa tuổi thường cho đồ chơi vào miệng hay ngậm, mút, cắn… thì không được chứa các hàm lượng kim loại vượt quá ngưỡng cho phép.
Ông Lâm nói rằng với quy chuẩn mới, từ ngày 15-4, các loại đồ chơi trẻ em, kể cả trên 36 tuổi cũng phải được kiểm tra các chất ô nhiễm và bổ sung thêm một số chỉ tiêu như độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ hay vải….
Theo ông Lâm, những quy định này các quốc gia khác đã áp dụng từ lâu, trong khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen, và các cơ quan chức năng vẫn chưa kiên quyết thực hiện. Hơn nữa, vẫn sẽ có sự nhầm lẫn như mặt hàng thú nhồi bông chưa biết được xem là hàng dệt may hay đồ chơi trẻ em, vốn vẫn tiềm ẩn nguy cơ hóa chất độc hại từ vải sợi.
Quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em quy định những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là hợp chất hữu cơ độc hại như chất lỏng và formaldehyde có trong đồ chơi. Theo đó, chất lỏng không được có độ pH nhỏ hơn 3 hoặc lớn hơn 10, các chi tiết vải dệt không được chứa formaldehyde tự do và formaldehyde đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg, các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán không được chứa formaldehyde giải phóng vượt quá 80mg/kg.
Đối với các loại đồ chơi dùng điện, không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V. Ngoài ra, các bộ phận trong đồ chơi nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có khả năng gây điện giật và các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ để ngăn ngừa rủi ro điện giật.