Gom những câu chuyện bạo lực nhỏ trong xã hội lại với nhau thì sẽ nhận diện được sự bạo lực lớn trong xã hội. Bạo lực kinh tế, bạo lực văn hoá, bạo lực nhà trường, bạo lực gia đình và bạo lực cá nhân đều tương quan với nhau trong một tổng thể mà sự bạo lực đó đã được dung dưỡng một cách hiển nhiên.
Cái ác có mối tương quan nhân quả xã hội
Gần đây những vụ bạo lực học đường hay một số vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em một cách bất nhẫn đã gây nên nhiều bất bình trong dư luận xã hội. Nhưng mọi sự bộc lộ của cái ác đều có mối tương quan nhân quả xã hội chặt chẽ với nhau. Bạo hành, căm tức, thù hận và các trạng thái tâm lý, ngôn ngữ, hành động tiêu cực, bất thiện khác đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, bất an, dần bị cô lập, tách rời khỏi cái môi trường rộng lớn hơn của hạnh phúc, an toàn.
Tất cả hành vi bạo lực trong xã hội dù là thuộc về cá nhân hay tập thể thì cũng xuất phát từ chính những xung động bạo lực được nuôi dưỡng ít nhiều trong tâm thức mỗi cá nhân ở các giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Ở điều kiện hoàn cảnh nào đó thì bạo hành sẽ được bộc lộ theo cách này hay cách kia.
Cảm xúc góp phần quan trọng cho việc hình thành tính cách con người và sự sinh tồn của một cộng đồng. Có những cảm xúc không chỉ gây đau khổ tinh thần mà còn gây hại cho thể chất người khác. Cho nên, thực hành chuyển hóa tâm hồn, lối sống của cộng đồng đòi hỏi người ta phải giảm thiểu suy nghĩ hay cảm xúc gây hại đồng thời thích ứng với những suy nghĩ, cảm xúc ích lợi.
Bạo lực trong xã hội nên được hiểu là một hành vi gây hại, chứ không chỉ đơn thuần là hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Hiểu như vậy thì chúng ta mới có cơ hội nhìn thấy một bức tranh rộng lớn hơn về một xã hội hay một sắc thái văn hoá đang có xu hướng bạo lực (tức xu hướng gây hại cho cá nhân và cộng đồng).
Chỉ cần nhìn vào cách thức mà người ta đe dọa nhau khi xảy ra sự bất như ý là thấy: Mày sẽ biết tay tao, mày sẽ không yên ổn đâu, mày sẽ phải trả giá… Thử hỏi có bao nhiêu những ý nghĩ và lời nói như vậy đã được gieo vào trong cuộc sống ứng xử hàng ngày để trở thành những hành động bạo lực khi cảm xúc tiêu cực quá ngưỡng?
Ý nghĩ, lời nói và hành động gây hại là nguồn gốc của các hình thức bạo lực khác nhau trong xã hội. Người Việt đặt chữ tu (sửa chữa) vào ba môi trường chính: Tu nhà, tu chợ, tu chùa. Tu nhà là tu cho các mối quan hệ gia đình. Tu chợ là tu cho các mối quan hệ xã hội. Tu chùa là tu cho những giá trị tinh thần, tâm linh. Mức độ khó dễ của nó không nên được nhìn nhận đơn giản theo sự sắp xếp thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, mà nó là mối quan hệ hỗ tương, cùng hoàn thiện để từ đó nhận diện rõ hơn những hành vi gây hại trong cộng đồng.
Một người vào chợ, hỏi giá bán mua, nếu không thuận ý nhau thì sẽ buông ra những lời nói khó nghe. Ở mức độ quá đáng hơn là gây gổ, xô xát. Ra đường tranh nhau đi trước, không ai chịu nhường ai, nếu có va quẹt nhẹ thì lườm nguýt, buông lời cáu gắt, nặng thì chửi bới, rủa xả và sẵn sàng nhảy vào nhau ẩu đả. Một người đi đường mà thấy một tảng đá, cành cây… nằm giữa đường, biết là nguy hiểm cho những ai vướng phải, nhưng vẫn thản nhiên đi qua, không dừng lại dẹp đi là đã có hành vi cố ý gây hại.
Bé Ngân bị bảo mẫu Phụng hành hạ suốt thời gian dài
Các công ty vì tham lợi mà sản xuất ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, nhiễm độc, đồng thời xả nước thải ra sông suối, ao hồ, tàn phá môi trường sống… Tất cả điều đó đều là mầm mống của bạo lực. Những hành vi đó là nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm, nó chỉ chờ những điều kiện, hoàn cảnh chín muồi là sự gây hại sẽ nhanh chóng bùng phát qua hành động.
Những mầm mống bạo lực tương tự như trên xuất hiện khắp mọi nơi trong xã hội. Đến một lúc mọi người đều xem chuyện đó là chuyện bình thường thì đạo đức xã hội sẽ có nguy cơ hết thuốc đề kháng.
Những trạng thái và ứng xử bất ổn khác nhau
Hành vi bạo lực của một người giữ trẻ ở vùng quê và hành vi bạo lực của một người được giáo dục qua trường lớp đàng hoàng thường có những khoảng cách nhất định và cần được phân tích cụ thể hơn. Một nền giáo dục mất cân bằng giữa việc truyền dạy tri thức và kỹ năng sống, cụ thể là những kỹ năng để xây dựng đời sống hạnh phúc gia đình như tình yêu thương con người, sự tôn trọng phẩm giá và bảo vệ môi trường sống… luôn cho ra những ứng xử bất ổn.
Bạo hành trẻ em xảy ra phản ánh rõ các trạng thái tâm lý của những người đã liên tục rơi vào những tình huống quá tải, thể hiện sự bất lực của họ trong việc quản lý, điều tiết cảm xúc (tích cực, tiêu cực) cho một tình huống. Điều này phải được thực tập và rèn luyện (tu) thường xuyên mới giảm thiểu tối đa những căng thẳng, ức chế quá tải.
Về câu chuyện những trẻ em bị bảo mẫu hành hạ, rõ ràng mỗi đứa trẻ một tính, một nết, nên rất cần những người bảo mẫu am hiểu tâm lý trẻ, để có thể yêu thương mọi đứa trẻ như nhau. Nếu gặp đứa trẻ ngoan, ít phải nhắc nhở chắc cô ta cũng sẽ mừng rỡ ra mặt và ít cáu gắt hơn. Còn trong những ứng xử tình huống với đứa trẻ lì lợm thì cô ta đã bất lực, nên đã sử dụng đến những phương pháp bạo hành, gây hại tinh thần và thể chất đứa trẻ.
Nhưng việc thầy cô giáo bạo hành với trẻ xong, bị tố giác, kiện cáo và phải đến quỳ xin phụ huynh tha tội thì lại cho ra những hình ảnh bất ổn khác, nếu không muốn nói đó cũng là sự “trả đũa” của một dạng khác của bạo hành tinh thần, thế chất.
Người trưởng thành nào mà không có thời gian làm một đứa trẻ. Và cái đứa trẻ đã trưởng thành hôm nay, ai dám chắc họ không từng chứng kiến những người trưởng thành trước đó phản ứng tiêu cực trước những sự bực bội, sợ hãi, căm phẫn mà cuộc sống chung quanh đã tác động vào. Nhu cầu tự vệ trước sự bạo hành được thể hiện dưới góc độ nào thì cũng chỉ ra những nỗi bất an và sợ hãi mà cộng đồng đó không có nhiều những phương tiện để bảo vệ hay tạo cho họ một cảm giác an toàn về thân thể và tài sản.
Khi nhân nghĩa, đạo đức không thể cảm hoá được cái ác thì mới phải dùng đến công cụ của pháp luật. Và càng phải dùng đến pháp luật để can thiệp thì càng cho thấy đạo đức xã hội đã lâm vào bế tắc, khủng hoảng.
Một khi nhìn cuộc sống đầy đủ cả hai mặt nhân nghĩa và pháp luật cùng có chung nguồn gốc cai trị, hay có mối liên hệ gia giảm trong từng hoàn cảnh ứng xử thì chắc chắn sẽ cho ra được những kết luận khá chính xác về việc có hay không một nền “văn hóa bạo lực”. Hay một nền văn hoá đang gia tăng xu hướng bạo lực, đặc biệt trong một quốc gia mà sự lý giải của chiến tranh luôn trở nên đậm đặc trong diễn trình lịch sử.
Cuộc đời sẽ yêu thương nhân ái hơn khi người biết dễ dàng tha thứ cho nhau, còn như lúc nào cũng phải dùng đến pháp luật thì cuộc sống ứng xử đã bế tắc và đi vào ngõ cụt. Yêu thương là một giá trị xã hội, nó phải được thể hiện mọi lúc, mọi nơi trong cộc sống sinh hoạt cộng đồng.
“Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.
Có một người phụ nữ đóng tiền bảo hiểm y tế nói nhân viên bảo hiểm y tế rằng: “Năm nào tôi đóng bảo hiểm y tế cho tất cả các thành viên trong gia đình, tôi coi việc này như làm phúc, chứ không phải tôi mong chờ gia đình mình có bệnh để được nhận hỗ trợ từ bảo hiểm y tế đâu nhé!”. Và người phụ nữ đó lý giải việc đóng tiền của mình như sau: “Tôi cố gắng sống khoẻ, để số tiền đóng bảo hiểm hàng năm của gia đình được chia sẻ nhiều hơn cho những người không may bị bệnh tật”.
Cái câu chuyện “làm phúc” như thế thật đơn giản mà cũng thật nhiều ý nghĩa. Đó cũng chính là những ý nghĩ làm lợi cho người khác, đúng với tinh thần “Dù xây chín bậc thù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người”. Chúng ta xây quá nhiều bậc thù đồ to kỷ lục, nhưng cái chuyện “làm phúc” như vậy sao người ta vẫn cứ tính toán thiệt – hơn ngay cả với cộng đồng của mình?
Nhưng ai phụ lòng tốt của những người đóng bảo hiểm y tế như người phụ nữ kia? Không ai khác, chính những bệnh viện, những trung tâm y tế, bởi không ít người đóng bảo hiểm y tế, đi khám bệnh bị đối xử rất phân biệt, bị chậm trễ trong khám bệnh và điều trị. Kết quả, không ít người từng đóng bảo hiểm y tế, vì thương người thân mà không khai mình có bảo hiểm để được khám bệnh sớm hơn, nhận được nhiều quan tâm hơn và không phải hứng chịu những lời nói gắt gỏng khó nghe từ phía bác sĩ điều trị.
Sự hành hạ người khác một cách ác ý, đầy bất lương từ trước đến nay chỉ được phản ứng thông qua sự lên án, mà chúng ta chưa hề thấy có những mô hình giáo dục nào dành cho các đối tượng xã hội mà nghề nghiệp của họ dễ có xu hướng bạo hành. Nhiều khi trong cuộc sống, từ việc họ thường xuyên phải chứng kiến hay chịu cảnh bạo hành, dẫn đến việc họ bạo hành người khác, cũng có nhiều nguyên nhân xã hội cần được nghiên cứu đầy đủ hơn, nhất là những người làm việc trong môi trường có nhiều áp lực.
Có thể nhiều người cũng đã từng nghĩ rằng việc làm của mình mình đã quá giới hạn, nhưng ý nghĩ đó trở nên quá mỏng manh trước một chuỗi dài ngày mà họ luôn phải đầu hàng những tình huống gây hại. Mọi ngành, mọi nghề, nếu cứ nghĩ hại như thế, cứ trả đũa như thế, cứ nói bất hoà như thế và cứ hành động vô lương như thế, thử hỏi cái thiện nào không giảm, cái ác nào không tăng?
Nhưng đáng sợ nhất là nhiều thứ được tô vẽ một cách giả tạo để trở thành tốt và được người ta tạo thành một vỏ bọc an toàn cho cái bất thiện. Trong xã hội chẳng có cái ác nào lại không tương quan nhân quả với nhau. Quan bạo ác thì dân dễ có hành vi bạo ác. Gia đình bạo ác thì con cái dễ có hành vi bạo ác. Thầy cô bạo ác thì học trò dễ có hành vi bạo ác… Cái bất lương càng đến nhiều từ cái lương thiện giả dối, thì sự tàn phá xã hội của nó càng lớn. Còn cái hành vi bất lương hiện ra rõ ràng trước mặt mọi người, chẳng màu mè giả tạo gì dù có đau xót một lúc, nhưng không khó để phòng tránh.
Nếu xã hội dành cho họ sự bao dung tha thứ thì họ sẽ có cơ hội sửa đổi nhanh chóng. Còn những kẻ làm ác mà đóng vai từ thiện, đóng vai giáo dục, đóng vai cứu người… mới đúng là hiểm hoạ đầu ngành, hiểm hoạ ngọn nguồn của một quốc gia.
Vì không nhìn thẳng vào sự tương quan, nên chúng ta cứ rượt đuổi theo những thông tin coi bạo hành chỉ giới hạn trong hành vi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà không hiểu hết những hành vi gây hại khác trong xã hội?
Sự bất công bằng xã hội phải được lý giải từ biểu hiện của những cái bạo hành nhỏ như “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, đến cái bạo hành lớn gây hại cho cộng đồng. Từ cái ác nhỏ không được quan tâm mà dẫn đến cái ác lớn hoành hành. Rồi từ những cái ác lớn không được chỉnh đốn dẫn đến những cái ác nhỏ bắt chước làm theo.
Dân gian nói: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ tát là người có trí tuệ, nên nhận ra một mồi lửa nhỏ cũng có thể làm cháy cả khu rừng, nên quyết không để mồi lửa đó lan ra, gây cháy lớn. Trong khi đối với chúng sinh, đợi khi cả khu rừng bốc cháy mới lo đi dập lửa. Sự khác nhau chính là không đánh giá đúng nguyên nhân và hậu quả, vì thế vết xe này đổ lại kéo theo vết xe khác, khiến người ta không có đủ dũng cảm để chấm dứt những sai lầm có nguy cơ tạo ra những tiền đề bất lương, gây hại khác trong xã hội.
Gom những câu chuyện bạo lực nhỏ trong xã hội lại với nhau thì sẽ nhận diện được sự bạo lực lớn trong xã hội. Bạo lực kinh tế, bạo lực văn hoá, bạo lực nhà trường, bạo lực gia đình và bạo lực cá nhân đều tương quan với nhau trong một tổng thể mà sự bạo lực đó đã được dung dưỡng một cách hiển nhiên.