“Há to miệng ra, mẹ cho ăn bánh này” – Hạnh vừa dụ bé Rose (2 tuổi) vừa lăm lăm mẩu bánh ngọt trên tay. Thấy Rose sung sướng há miệng, Hạnh nhanh chóng đút cho con một thìa thuốc ho. Rose khóc ầm lên nhưng thìa thuốc siro đã chui ực vào bụng.
Kiểu lừa con uống thuốc như của Hạnh được không ít phụ huynh ưa chuộng. Minh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng thích dỗ con uống thuốc đắng bằng khích lệ: “Nước này ngọt thế”. Để thuyết phục con, Minh mở lọ thuốc, rót một ít thuốc ra thìa, đưa lên miệng vờ nhấm nháp rồi gật gù: “Ôi, ngọt thế, sao ngọt thế nhỉ?”. Sau đó, Minh vờ đưa thìa thuốc tới miệng chồng, miệng ông bà nội rồi nháy mắt để cả nhà gật gù: “Ngọt thật” khiến cu Bi (14 tháng tuổi) nhà Minh phải nổi hứng tò mò, lon ton ra tranh thuốc uống.
“Để con không nhè thuốc, khi đút thuốc vào miệng con mình phải giả vờ thật nhanh: ‘Ôi, con chuột trên trần nhà kìa’, cu cậu ngẩng cổ lên, thuốc bị nuốt trôi hết” – Minh phấn khởi kể.
Không chỉ vậy, Minh còn dùng cách tương tự để dụ con ăn cháo. Có những hôm cu Bi rất lười ăn khiến cả nhà Minh stress nặng. Cu cậu thấy mẹ đưa thìa cháo vào miệng là quay đầu, mím môi, ưỡn người rồi khóc váng lên. Biết con nghiện bim bim, Minh đặt một miếng “bimbim” (snack) lên trên thìa cháo khích lệ con mở miệng. Cu Bi hào hứng há to miệng nhưng khi biết “bimbim” lổn nhổn lẫn cùng cháo, cu cậu nhè ra luôn.
Vài lần như thế, cu Bi láu cá nhón tay lấy “bimbim”, còn thìa cháo để nguyên cho mẹ. “Bây giờ, cứ bảo ra mẹ cho ‘bimbim’ là cháu thận trọng lắm, phải là gói ‘bimbim’ đã được bóc và cháu trực tiếp ghé mắt vào trong thấy không phải lẫn cháo, cháu mới bốc ‘bimbim’ ăn” – Minh cho biết.
Còn cu Rô (18 tháng tuổi) nhà Yến ham chơi nên hay phản đối khi bị mẹ đưa đi “xi tè”. Nhiều lần kéo con đứng dậy để “xi tè” mà không thành công, Yến dụ: “Đứng lên rồi mẹ đưa sang bạn Gấu ăn sinh nhật”. Bởi vì cu Rô rất thích được tham gia sinh nhật với những bé ở quanh đó.
Yến kể, một vài lần đầu chiêu dụ con này của cô rất thành công. Yến chỉ cần nói: “Mau, mẹ đưa đi sinh nhật” là cu Rô đứng dậy, chìa tay đòi mẹ bế ngay. Nhưng sau đó, biết mình bị lừa, mẹ có dỗ đi sinh nhật thế nào, Rô chỉ lắc đầu.
Vì thế, một lần khi hai mẹ con chị Cún đầu ngõ mời dự sinh nhật, Yến thuyết phục, cu Rô cũng nhất quyết không đi theo mẹ.
Lừa để dỗ con – coi chừng phản tác dụng
Dỗ con bằng “chiêu lừa” khá phổ biến với các bậc cha mẹ. Biết con mình thích ăn thứ gì đó, thích được đi chơi… và để con phải nghe lời, phụ huynh chọn cách ngọt ngào để dụ bé. Nhiều cha mẹ nhận định, một vài lần đầu tiên, chiêu dụ con như thế cho kết quả rất tốt. Tuy nhiên, một số bé láu cá có thể biết mẹ không nói thật nên những lần sau, cách cũ không hữu dụng nữa. Lúc đó, cha mẹ lại chuyển qua “chiêu lừa” mới.
Dụ con kiểu này còn rất nguy hiểm, bởi vì khi chưa đủ nhận thức, bé dễ bị mất phương hướng, bị rối loạn giữa ngôn ngữ và những hiện tượng trong cuộc sống; chẳng hạn, đưa cho con thìa cháo lại nói: “sữa chua đây con”, đưa cho con miếng bánh lại nói: “bimbim này”… Nhiều bé bị lẫn lộn giữa bánh với bimbim hay sữa chua với cháo…
Nếu bị lừa đi tiêm là đi siêu thị, đi về ông bà ngoại, đi chơi công viên… thì bé sẽ nảy sinh cảm giác hoang mang, lo lắng… Đặc biệt, nếu đó là đi công viên, siêu thị thật thì bé cũng không còn hào hứng nữa vì sợ bị lừa.