Bệnh viêm gan do virus là một trong những nguyên nhân gây vàng da cho thai phụ, thường xảy ra vào ba tháng cuối của thai kỳ. Trẻ sinh ra có thể mắc bệnh và dễ dẫn đến biến chứng nặng.
Ở thai phụ, viêm gan virus có bệnh cảnh và diễn tiến không khác gì so với người không mang thai, ngoại trừ trường hợp viêm gan E và Herpes. Trẻ sơ sinh được xem là đối tượng suy giảm miễn dịch. Qua tiếp xúc với mẹ có nhiễm virus gây viêm gan, trẻ có thể mắc bệnh với biểu hiện và diễn biến có nhiều khác biệt so với trẻ lớn và người lớn, dễ dẫn đến biến chứng nặng. Vì vậy, chẩn đoán sớm và có biện pháp xử trí thích hợp ở thai phụ nhiễm viêm gan virus là rất quan trọng, mang lợi ích cho mẹ và con.
Vấn đề mang thai thường không bị ảnh hưởng khi bị viêm gan virus cấp không biến chứng. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh gan nặng, hoặc bị xơ gan thường bị vô sinh, khó có khả năng mang thai. Hầu hết phụ nữ trẻ sau khi ghép gan vẫn có thể mang thai một cách dễ dàng.
ADN của virus viêm gan B thường được phát hiện trong tinh dịch, kể cả trong bạch cầu và tinh trùng. Tinh dịch được xem là nguồn gốc lây nhiễm, vì vậy tất cả những người cho tinh dịch đều phải được kiểm tra virus B.
Việc phát hiện virus viêm gan C (HCV) trong tinh dịch còn nhiều bàn cãi. Trong một nghiên cứu tại Italy trên 56 bệnh nhân có virus C trong máu, kỹ thuật PCR không tìm thấy HCV trong tinh dịch và tinh trùng; nhưng có đến 34 người mang những yếu tố ức chế phản ứng PCR. Một điều khác gây chú ý cho giới nghiên cứu là virus C được tìm thấy trong khoảng 50% bệnh phẩm và không có chất ức chế phản ứng PCR. Giá trị lâm sàng của hiện tượng này như thế nào đến nay vẫn chưa biết chính xác.
Ảnh hưởng của viêm gan virus trên thai phụ
Viêm gan virus cấp trong thai kỳ: Việc chẩn đoán xác định virus gây bệnh phải dựa vào các xét nghiệm huyết thanh. Ở những vùng có tỷ lệ người tiếp xúc và miễn dịch với virus A cao, thủ phạm gây viêm gan cấp ở người lớn thường là virus B và E.
Các trường hợp viêm gan E có tỷ lệ thai chết lưu và sinh non cao hơn nhiều so với các loại viêm gan virus khác; nhưng nhìn chung nguy cơ này rất thấp.
Virus E (HEV) là nguyên nhân quan trọng gây viêm gan nặng cho thai phụ. Trong mùa dịch, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 20%. Tuy nhiên, cơ chế của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Virus herpes simplex (HSV), varicella zoster (VZV), cytomegalo (CMV) và epstien-barr (EBV) là những nguyên nhân gây viêm gan không có biểu hiện lâm sàng và không có vàng da, vàng mắt. Ở các nước phương Tây, HSV là nguyên nhân quan trọng gây viêm gan nặng cho thai phụ. Tỷ lệ tử vong do suy gan cấp có thể lên đến hơn 90% mà cơ chế sinh bệnh vẫn chưa được biết rõ. Chẩn đoán thường gặp khó khăn vì biểu hiện bệnh không điển hình, đặc biệt là ở bệnh nhân thường có những yếu tố nguy cơ như suy giảm miễn dịch, có bệnh ác tính (lymphomas, ung thư máu, ghép tạng).
EBV không gây nguy cơ gì đặc biệt trên thai phụ nhưng CMV lại là tác nhân gây viêm gan thường gặp ở thai phụ và người suy giảm miễn dịch với nhiều hậu quả nguy hiểm, nhất là tình trạng lây nhiễm cho thai nhi.
Suy gan cấp: Trừ trường hợp viêm gan E, tỷ lệ suy gan cấp không gia tăng ở thai phụ và việc điều trị cũng tương tự như ở phụ nữ không mang thai. Tuy nhiên, tỷ lệ sẩy thai rất cao, thường trên 50%. Ngoài ra, tình trạng thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhỏ cân cũng thường thấy hơn.
Viêm gan virus mạn tính: Một nghiên cứu trên 1.700 phụ nữ Italy trong lứa tuổi sinh đẻ cho thấy có 29 người (1,7%) mang kháng thể HCV dương tính. Trong 8 người đồng nhiễm với HIV thì chỉ 2 người có xét nghiệm chức năng gan bất thường trong lúc mang thai và theo dõi trong vòng 6 tháng không thấy bất thường cho cả mẹ và con. Tại Ireland, sau 17 năm nghiên cứu theo dõi diễn tiến trong thời gian dài trên 232 phụ nữ bị nhiễm HCV, có đến 2,4% bị xơ gan.
Diễn biến của thai kỳ và tình trạng sức khỏe của thai nhi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay, chưa có đủ bằng chứng để xác định ảnh hưởng của thai kỳ trên diễn biến của viêm gan virus mạn tính không có các biến chứng (như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa). Thai phụ bị xơ gan dù do nguyên nhân gì, có tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì thường dễ bị xuất huyết và gây tử vong cho thai nhi.
Có đến 15% thai phụ bị nhiễm viêm gan B và việc điều trị viêm gan B mạn tính ở thai phụ cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, cần lưu ý là thuốc kháng virus thường không có chỉ định sử dụng trong thai kỳ.
Ung thư gan: Có liên quan đến oestrogen trong thuốc ngừa thai, nhiễm virus viêm gan B, C và hút thuốc lá. Thai kỳ thường làm cho sự phát triển của ung thư gan trở nên nhanh hơn và có tiên lượng xấu hơn.