Ở nước ta, tình hình nhiễm viêm gan siêu vi B ở phụ nữ có thai chiếm tỷ lệ khoảng từ 10-13%. Ðể ngăn ngừa nguy cơ mẹ bị nhiễm siêu vi rồi truyền cho thai nhi khi mang thai, chúng ta nên tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Nếu phụ nữ bị nhiễm siêu vi B và mang thai thì sự lây truyền bệnh sang thai nhi phụ thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh của mẹ và kết quả phản ứng huyết thanh.
Về thời điểm nhiễm bệnh của mẹ
- Mẹ bị bệnh ở quý I thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh là 1%.
- Mẹ bị bệnh ở quý II thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh là 10%.
- Mẹ bị bệnh ở quý III thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh là 60-70%.
- Về kết quả xét nghiệm huyết thanh:
- Mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+), tỷ lệ truyền bệnh 90-100%.
- Mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (-), tỷ lệ truyền bệnh 20%.
(Lưu ý: HBeAg (+) là biểu hiện siêu vi B đang sinh sản theo phương cách tách đôi và là dấu hiệu cho thấy siêu vi đang tăng mạnh).
Cần phải biết là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mãn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành. Tỷ lệ trẻ bị viêm gan B cấp ngay sau khi sinh là 5-7% và không có biểu hiện triệu chứng. Cơ chế lây bệnh lúc sinh và sau sinh chưa rõ ràng (có thể qua nhau thai khi chuyển dạ?) vì thế can thiệp bằng phẫu thuật cũng không ngăn chặn được sự lây lan bệnh. Sự truyền bệnh trong tử cung (từ mẹ sang con) là một trường hợp ngoại lệ.
Việc nhiễm viêm gan siêu vi B ở mẹ có thể xảy ra trước khi có thai hoặc đang mang thai (trường hợp này ít gặp). Việc có thai không phải là yếu tố làm cho bệnh viêm gan siêu vi B ở mẹ nặng lên mà ngược lại siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như cho bào thai. Việc mang thai tiến triển bình thường, thai nhi phát triển tốt và không có nguy cơ bị dị dạng thai nhi. Chỉ khi mẹ bị viêm gan siêu vi B nặng ở quý III của thai kỳ thì mới có nguy cơ sinh non.
Làm gì để dự phòng?
Về phía người mẹ:
Xét nghiệm kiểm tra HBsAg trong huyết thanh vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Nếu HBsAg (+) dương tính, để đánh giá mức độ truyền bệnh có thể tiến hành xét nghiệm bổ sung HBeAg hoặc ADN và Anti-HBe. Còn nếu HBsAg (-) âm tính thì nên tiêm phòng cho mẹ vì vaccin này không chống chỉ định với phụ nữ có thai và cho con bú.
Về phía trẻ:
Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì trẻ sơ sinh được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B (Ig anti-HB) ngay trong phòng sinh 100 đơn vị quốc tế.
Tiếp sau đó tiêm vaccin viêm gan B ở một vị trí khác trên cơ thể trẻ sơ sinh theo công thức 3 mũi (mũi 1 sau khi sinh, mũi 2 khi trẻ 1 tháng tuổi, mũi 3 khi trẻ được 6-12 tháng). Sau 15 năm tiêm nhắc lại.
Nếu trẻ đã được bảo vệ bằng huyết thanh và vaccin thì vẫn cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có nhiều kháng thể giúp trẻ chống được bệnh tật. Hai hội nghị chuyên gia Âu Mỹ gần đây không coi là chống chỉ định việc các bà mẹ nhiễm siêu vi B cho con bú vì chưa chứng minh được sự lây nhiễm qua đường sữa.
Do mẹ còn tiếp tục nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ trong những tháng tiếp theo nên họ cũng cần biết siêu vi B tồn tại được bao lâu ở môi trường tự nhiên? Khi ra ngoài cơ thể nó không tồn tại lâu, nhưng các dụng cụ và đồ đạc bị vấy máu bệnh nhân dù đã khô vẫn có thể truyền bệnh trong một thời gian ngắn. Vì vậy các dụng cụ vấy máu này cần được lau rửa bằng thuốc sát trùng như Javel 10%. Chú ý éther và cồn 90 độ không diệt được siêu vi B. Dùng nước Javel phải ngâm trong 2 giờ, tiệt trùng bằng nhiệt độ khô 170 độ C phải trong 1 giờ và tiệt trùng trong tủ hấp 121 độ C phải trong 15 phút.