Từ sáng sớm chúng tôi theo chân những đứa trẻ chừng 13-14 tuổi vào xưởng cơ khí trên đường Bùi Thị Xuân (TP Huế) để chứng kiến một ngày làm việc nặng nhọc của các em.
Không được lựa chọn
Em Hoàng Hà Long (14 tuổi, ở Tây Lộc, TP Huế) đã gần hai năm học nghề tại một cơ sở cơ khí số 240 Bùi Thị Xuân. Trước đó, sau những buổi đi học, Long nhặt ve chai hoặc theo mẹ kiếm sống. Bất ngờ bố Long mất do bị tai nạn giao thông. Lúc đó, đứa em của Long mới được hai tuổi, mẹ không còn sức vừa chăm em vừa kiếm tiền, Long đành phải bỏ học.
Long bước vào làm thợ khi mới 12 tuổi, những ngày đầu học việc Long không nhấc nổi cái máy gò. Những ống nước đúc bằng gang nặng nề, Long phải nghiến răng, nhấc bổng từng ống đưa lên máy để gò. Công việc nặng nhọc lại tiếp xúc với môi trường độc hại khiến em nhiều đêm không ngủ được vì đau mỏi. “Mỗi lần thấy mẹ và em phải húp từng muỗng cháo, em chịu không nổi nên xin mẹ đi học nghề để có cái ăn và việc làm. Sau ngày làm việc, em móc trong mũi mình ra bụi gang đen sì, biết làm sao được, không làm thì lấy gì mà sống…” – Long tâm sự.
Mỗi ngày em Dân và em Huy làm việc gần 10 tiếng đồng hồ tại xưởng cơ khí.
Em Long đang làm việc với chiếc máy gò gang.
Lê Hữu Huy (14 tuổi) gặp chúng tôi với đôi mắt đỏ ngầu do đối diện với tia lửa hàn mỗi ngày. “Làm nghề này là vậy, do ánh sáng của mũi hàn và đầu óc tập trung cao độ nên thường bị choáng khi đứng dậy…” – Huy nói.
Huỳnh Văn Dân với khuôn mặt còn non choẹt đang nín thở, lấy hết trọng lượng của mình để giữ thăng bằng gí mũi hàn vào thanh sắt. Dân kể bố thì làm “thợ đụng” (ai thuê gì làm nấy), mẹ thì bán rau. Dân lớn lên trong gia đình thiếu thốn đủ bề, học đến lớp 5, Dân phải nghỉ học. “Đi xin việc khắp nơi nhưng không ai thuê vì em còn nhỏ. Sau đó, em kiếm sống trên những đống rác ở phường Thủy Xuân trước khi về đây làm. Nhiều đứa trong làng bằng tuổi em đã đi làm nhiều năm nay, có tiền gửi về quê rồi…”.
Không chỉ riêng Dân, tại xưởng cơ khí này còn nhiều đứa trẻ như Nguyễn Huy, Văn Hùng, Bùi Long… phải tìm kiếm kế mưu sinh bất chấp nguy hại cho mình.
Rất khó ngăn chặn
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa phần những đứa trẻ bỏ học đều được bố mẹ đẩy vào phía Nam kiếm sống, số còn lại ở quê thì tìm vào xưởng đúc, cơ khí gò hàn để học nghề, các em phải làm theo ý chủ xưởng, không được quyền đòi hỏi.
Dưới danh nghĩa học nghề, mỗi ngày các em lao động gần 10 tiếng đồng hồ, hằng tháng không được hưởng tiền lương. Đa số những em mới 13-14 tuổi đều làm việc không công trong các môi trường độc hại.
Khi tôi hỏi về lý do thì ông NC, chủ xưởng cơ khí trên đường Bùi Thị Xuân, trả lời: “Chúng đến đây học nghề, tôi chưa bắt nộp học phí là may rồi, còn tiền nong gì…?”.
Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Bảo trợ xã hội-Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên-Huế), cho biết: “Đa phần trẻ em lao động sớm không ngoài lý do kinh tế và số lượng này lại tăng cao sau mỗi đợt lũ. Riêng ngành LĐ-TB&XH không thể nào ngăn chặn được việc bóc lột sức lao động trẻ em mà phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức khác.
Việc trẻ lao động nặng nhọc kiếm tiền giúp đỡ gia đình từ lâu đã được gia đình coi là trách nhiệm của trẻ em. Vì vậy việc thay đổi nhận thức, nâng cao quyền của trẻ em trong cộng đồng dân cư là rất cần thiết.”.