Trong đợt thanh kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em trên khắp cả nước vừa qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trong số 8 địa bàn được Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Việt Nam) trực tiếp chủ trì kiểm tra.
Kết quả: Hà Nội có 49/49 mẫu kiểm tra đều đạt yêu cầu về chỉ tiêu giới hạn mức xâm nhập độc tố và formaldehyt; TP Hồ Chí Minh chỉ có 2/46 mẫu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu giới hạn mức xâm nhập của các độc tố và độ pH.
Kết quả kiểm tra được công bố này nói lên điều gì, phải chăng đồ chơi trẻ em đang lưu thông trên thị trường an toàn? Phải chăng chúng ta đang làm quá tốt công tác quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em?
Chiều 27/11, đến một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can mua cho cháu gái một con búp bê và một bộ xếp hình bằng nhựa, tất cả đều là đồ Trung Quốc, đều không có tem hợp quy CR. Khi hỏi về tem, chủ cửa hàng phì cười: “Mấy cái trò vớ vẩn, chỉ để qua mắt các ông quản lý thôi”. Dọc phố Lương Văn Can, phố Hàng Mã, san sát các cửa hàng đồ chơi trẻ em đủ loại. Ấy vậy nhưng được biết, đợt kiểm tra vừa rồi, Cục chủ yếu tập trung kiểm tra tại các siêu thị và một số cửa hàng nhỏ lẻ ở một số huyện ngoại thành mà “quên” mất khu vực đầu mối đồ chơi trẻ em này. Cục không biết hay Cục ngó lơ?
Trong khi kết quả kiểm tra của Cục rất “khả quan” thì kết quả kiểm tra của các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng hàng hoá ở địa phương như Cà Mau, Bắc Cạn, Kom Tum… lại có vẻ “chất lượng” hơn rất nhiều. Với quy mô thị trường nhỏ hơn nhiều so với 8 địa bàn Cục kiểm tra nhưng theo báo cáo của các chi cục, có 1.258 trên tổng số 3.184 mặt hàng/sản phẩm kiểm tra không có dấu hợp quy CR. Đây là một con số đáng báo động. Rõ ràng có sự khác biệt lớn khi nhìn vào kết quả kiểm tra của các địa phương và của Cục quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Từ Trung ương đến địa phương, cơ quan nào cũng có cơ chế kiểm tra giám sát. Việc kiểm tra, giám sát nhằm cung cấp thông tin thực tế giúp cho những người quản lý, hoạch định đưa ra quyết sách đúng đắn. Nhưng nếu việc này làm không nghiêm, kết quả sẽ méo mó và hậu hoạ sẽ khôn lường. Khi đó, kết quả kiểm tra dễ trở thành một tấm bình phong… lừa dối!